Bệnh đường hô hấp là một bệnh thường gặp chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh cấp và mạn tính ở cả người lớn và trẻ em. Dinh dưỡng khi bị bệnh đóng vai trò không thể thiếu được trong quá trình điều trị. Cùng với thuốc, nó là vấn đề quyết định điều trị có thành công hay không.
Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng tới phổi
Suy dinh dưỡng gây tác động xấu tới cấu trúc, độ đàn hồi và chức năng của phổi. Tác động tới các cơ hô hấp, khối cơ, trương lực cơ và sức chịu đựng của phổi. Tới các cơ chế miễn dịch ở phổi và sự kiểm soát nhịp thở của phổi.
Thiếu hụt protein và sắt làm giảm hàm lượng hemoglobin, dẫn tới giảm khả năng mang oxy của máu. Các khoáng chất thấp như Calci, Magnesi, Phospho và Kali làm giảm chức năng hoạt động của các cơ hô hấp. Hạ protein máu làm tăng tình trạng phù phổi do làm giảm áp lực keo của máu, làm nước dễ dịch chuyển vào các khoang của cơ thể hơn.
Surfactant là phức hợp được tổng hợp từ protein và phospholipid. Giảm lượng chất này dẫn tới làm xẹp các phế nang và phổi phải tăng gánh để thở. Các mô liên kết ở phổi có cấu tạo từ collagen, cần có vitamin C để tổng hợp. Các chất nhày tiết ra bình thường ở đường thở gồm có nước, các glycoprotein và các chất điện giải.
Sụt cân do không được cung cấp đủ năng lượng ăn vào dẫn tới tiên lượng bệnh phổi xấu. Suy dinh dưỡng làm giảm khả năng miễn dịch và đặt người bệnh vào tình trạng dễ dàng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Những bệnh nhân bệnh phổi nằm viện mà suy dinh dưỡng thì thời gian nằm viện dài hơn và tăng nguy cơ tử vong hơn những bệnh nhân không suy dinh dưỡng.
Tác động của hệ hô hấp tới tình trạng dinh dưỡng
Các bệnh về hô hấp làm tăng nhu cầu năng lượng. Điều này lý giải vì sao cần phải tính toán tỉ trọng cơ thể và cân nặng trong hầu hết các tình trạng y khoa, phẫu thuật, dược lý và các nghiên cứu về dinh dưỡng với bệnh nhân mắc bệnh phổi. Các biến chứng của các bệnh đường hô hấp và các phương thức điều trị có thể khó xác định được lượng ăn vào thế nào là cân đối. Thức ăn khó tiêu hóa, sự hấp thu, tuần hoàn, sử dụng trong tế bào, dự trữ và bài tiết của hầu hết các chất dinh dưỡng trở nên có vấn đề.
Những mối liên quan mang tính dinh dưỡng thường biểu hiện những dấu hiệu và triệu chứng của các bệnh lý về hệ hô hấp. Bao gồm ho, ăn chóng no, chán ăn, sụt cân, khó thở (hơi thở ngắn) khi chuẩn bị thức ăn và khi ăn đi kèm cảm giác mệt mỏi. Cùng với quá trình tiến triển của bệnh, những tình trạng liên quan khác có thể ảnh hưởng tới lượng thực phẩm ăn vào hoặc toàn bộ tình trạng dinh dưỡng.
Đặc biệt là sản sinh nước bọt bất thường, nôn, thở nhanh, ho ra máu, đau ngực, polyp mũi, thiếu máu, suy sụp và dị cảm mùi vị do điều trị. Việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng rất quan trọng và có thể có những can thiệp về dinh dưỡng hoặc điều trị bằng thuốc. Trừ khi bạn đang trong giai đoạn điều trị cấp cứu.

Ảnh hưởng của bệnh phổi tới tình trạng dinh dưỡng
Tăng tiêu hao năng lượng
- Tăng gắng sức để thở.
- Nhiễm trùng mạn tính.
- Các điều trị y tế (thuốc giãn phế quản, vật lý trị liệu vùng ngực).
Giảm lượng ăn vào
- Hạn chế dịch.
- Hơi thở ngắn.
- Giảm bão hòa oxygen khi ăn.
- Chán ăn dẫn tới bệnh lý mạn tính.
- Bệnh lý đường tiêu hóa và nôn.
Các hạn chế khác
- Khó chuẩn bị đồ ăn do quá mệt.
- Thiếu thốn về kinh tế.
- Thiếu kỹ năng nuôi dưỡng (với trẻ em).
Các vấn đề về chuyển hóa liên quan
- Thiếu oxy tại mô (mô luôn cần được cung cấp đủ oxy để phục vụ cho các phản ứng chuyển hóa).
- Thiếu oxy để não hoạt động bình thường.
- Viêm mạn tính – đặc biệt những người có viêm phổi hoặc nhiễm trùng phế quản trong viêm phế quản thường xuyên.
- Mất protein do điều trị Steroid.
Phân loại bệnh lý phổi
Bệnh lý phổi nguyên phát hoặc thứ phát
Nguyên phát: lao, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi.
Thứ phát: bệnh lý về phổi do mắc bệnh lý về tim mạch, béo phì, nhiễm HIV, bệnh lý hồng cầu hình liềm, tổn thương phổi do cong vẹo cột sống.
Bệnh lý phổi cấp tính và mạn tính
Cấp tính: sặc do hít phải dung dịch nuôi qua đường tiêu hóa. Tắc nghẽn ở phổi do nguyên nhân cơ học như một hạt lạc rơi vào đường thở, sốc phản vệ do ăn những loại hải sản có vỏ cứng.
Mạn tính: xơ hóa nang phổi và ung thư phổi.
Dinh dưỡng trong điều trị bệnh hen
Vai trò quan trọng của muối, các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E, Selen và acid béo omega 3 đối với bệnh hen. Tuy nhiên, tác động của các chất này có vai trò đơn lẻ hay là sự tổng hợp của các chất dinh dưỡng, liều lượng bổ sung và thời điểm bổ sung vẫn còn chưa được làm sáng tỏ. Bởi vậy, lời khuyên về tư vấn dinh dưỡng cho bạn là chế độ ăn cân đối hợp lý, tăng cường sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Đặc biệt là rau và quả tươi, dầu cá và giảm lượng muối trong chế độ ăn.
Ngoài ra, bạn nên lưu ý về những thức ăn có thể gây dị ứng và những thức ăn mà bản thân từng có tiền sử dị ứng với loại thức ăn đó. Bạn thừa cân – béo phì thì cần thực hiện giảm cân. Bạn bị trào ngược dạ dày thực quản thì nên kiểm soát tình trạng này. Đặc biệt là tình trạng trào ngược dạ dày thực quản có thể xuất hiện khi bạn có kèm ho mạn tính.
Một số lưu ý về tác dụng phụ của thuốc điều trị hen có liên quan tới thực hành dinh dưỡng
Các thuốc chống co thắt phế quản thường có tác dụng phụ là khô miệng/họng, đau họng, buồn nôn/nôn, tiêu chảy, mạch nhanh, run tay và đôi khi gây hạ kali máu.
Các thuốc nhóm Steroid có tác dụng gây tăng đường huyết, tăng giữ nước trong cơ thể, vì thế gây tăng cân. Bạn cần chế độ ăn đủ protein khi điều trị với Steroid liều cao, đồng thời đảm bảo đủ khẩu phần về Calci bằng cách tăng cường các thực phẩm giàu Calci và vitamin D.
Các chất dinh dưỡng có tác động toàn thân
Bạn nên bổ sung Omega-3 hoặc dầu cá.
Các chất dinh dưỡng chống oxy hóa do có cơ chế giúp bảo vệ đường thở khỏi các Stress oxy hóa. Magnei có cơ chế làm giảm trương lực cơ trơn và tham gia đáp ứng chống viêm. Cafein được biết tới với tác dụng làm giãn khí quản.
Tuy nhiên, việc bổ sung các chất này như thế nào và trong bao lâu thì còn chưa được làm sáng tỏ. Vì vậy, bạn nên cân nhắc khi sử dụng các chế phẩm bổ sung và nên ưu tiên sử dụng những thực phẩm tự nhiên giàu những chất này.
Các vấn đề về dinh dưỡng ở bệnh nhân COPD
Bệnh nhân suy dinh dưỡng chiếm tỉ lệ cao (> 35% ở các mức độ khác nhau) ở nhóm bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Vấn đề dinh dưỡng ở những đối tượng bệnh nhân này được xác định khi có giảm 5 – 10% cân nặng không mong muốn. Hoặc bệnh nhân có cân nặng thực tế < 90% cân nặng lý tưởng. Kết quả điều trị ở những bệnh nhân suy dinh dưỡng thường kém.
Đánh giá dinh dưỡng ở bệnh nhân COPD
Tính % cân nặng lý tưởng và BMI.
Đánh giá giảm cân không mong muốn và % cân nặng thường có.
Khám lâm sàng và nhân trắc dinh dưỡng.
Protein máu.
Tiền sử chế độ ăn đường miệng có bị hạn chế bởi khó thở?
Các thuốc điều trị hiện nay.
Tiêu hao năng lượng tăng.
Cần cân bằng giữa tăng tiêu hao năng lượng với các nguy cơ cho ăn quá.
Suy dinh dưỡng có thể thấy được trên lâm sàng bởi cân nặng so với chiều cao thấp, giảm bề dày lớp mỡ dưới da cơ tam đầu. Tuy nhiên sự sụt giảm về khối nạc có thể xảy ra mặc dù trọng lượng cơ thể vẫn bình thường hoặc ổn định. Vì thế nếu chỉ đánh giá BMI là chưa đủ. Thay vào đó, cần đánh giá khối cơ thể để xem có bị sụt giảm khối nạc hay không hoặc dự trữ nước quá mức sau mất nước.
Ngoài ra, cũng cần đánh giá tương tác giữa thuốc điều trị và các chất dinh dưỡng. Mục tiêu của chăm sóc dinh dưỡng là có được nhu cầu dinh dưỡng tối ưu, duy trì khối nạc và tỉ số giữa khối nạc với khối mỡ. Điều chỉnh cân bằng dịch, kiểm soát tương tác thuốc điều trị với các chất dinh dưỡng và phòng ngừa loãng xương.
Nhu cầu dinh dưỡng ở bệnh nhân COPD
Cần tính toán cẩn thận nhu cầu năng lượng cho người bệnh. Khi bắt đầu nuôi ăn, nhu cầu năng lượng nên tính bằng công thức:
Nhu cầu năng lượng = 1,3 (có thể giao động từ 0,93 đến 1,46) x Tiêu hao năng lượng cơ bản BEE (Basic Energy Expenditure)
Một số công thức tham khảo gợi ý khác
+ Nhu cầu năng lượng = BEE X 1,25 – 1,56 đối với bệnh nhân nhập viện vì COPD bùng phát.
+ Nhu cầu năng lượng từ 25 – 30Kcal/kg cân nặng thực tế của người bệnh và điều chỉnh tùy vào đáp ứng của người bệnh đối với chế độ ăn.
+ Một số khác lại gợi ý nhu cầu năng lượng không nên vượt quá BEE X 1,5 để tránh sản xuất CO2 quá mức.
Nhu cầu protein: cần cung cấp đủ protein để duy trì và bảo tồn phổi và các cơ, tăng cường chức năng miễn dịch. Ngưỡng protein khuyến nghị cho bạn là 1,2 – 1,7g/kg cân nặng thực tế.
Ưu tiên bổ sung dinh dưỡng bằng đường miệng hơn là nuôi ăn qua sonde. Tránh các công thức giàu chất béo dành cho “bệnh phổi”. Không khuyến nghị sử dụng các chất kích thích đồng hóa như Oxandrolone, các hormon tăng trưởng.
Các bài tập giúp tăng khối cơ không được khuyến nghị do không thúc đẩy tăng chức năng hô hấp.
Vai trò của acid béo omega-3: bảo vệ người hút thuốc lá phòng ngừa nguy cơ mắc COPD. Omega-3 còn được biết đến với khả năng chống viêm. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chỉ rõ liều tối ưu đối với bệnh COPD. Vì vậy khuyến cáo đưa ra là nên sử dụng những thực phẩm giàu acid béo này.
Dinh dưỡng và bệnh lao
Bạn mắc lao thì dễ bị suy dinh dưỡng. Có trên 50% bệnh nhân lao bị suy dinh dưỡng. Nhiễm lao cùng HIV có nguy cơ tăng suy dinh dưỡng. Mắc lao mà có suy dinh dưỡng thì tỉ lệ sống giảm.
Đánh giá và can thiệp dinh dưỡng cần tập trung vào những bất thường do bệnh gây nên và tình trạng xã hội. Mắc lao mạn tính và vẫn phải đi làm trong khi điều trị lao thì cần năng lượng ăn vào cao hơn.
Bạn cần ăn những thực phẩm giàu năng lượng, giàu protein mà giá thành thấp và dễ thực hiện. Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn “giàu năng lượng, giàu protein” cho bệnh nhân lao.
Người ta thường lựa chọn mức năng lượng khởi đầu can thiệp là 30 – 35Kcal/kg và 1,5g protein/kg cân nặng thực tế. 30 – 35ml dịch/kg cân nặng thực tế hoặc nhiều hơn nếu có sốt và có ra mồ hôi nhiều.
Ngoài ra, bạn nên bổ sung vitamin và kẽm trong thời gian điều trị bệnh.
Thông thường bạn được phối hợp điều trị nhiều loại thuốc, đặc biệt là kháng sinh. Điều trị cơ bản thường có Isoniazid, Rifampicin, Ethambutol và Pyrazinamid. Mỗi loại thuốc đều có tương tác với thực phẩm. Vì thực phẩm có thể làm giảm hấp thu Isoniazid nên cần uống trước khi ăn 1h hoặc sau khi ăn 2h. Isoniazid cũng làm giảm hấp thu vitamin B6 và gây ảnh hưởng tới chuyển hóa vitamin D nên làm giảm hấp thu Calci và Phospho.
Vì thế bạn cần được bổ sung vitamin, đặc biệt là vitamin B6 và vitamin D và tăng cường khoáng chất từ thực phẩm và các chế phẩm bổ sung.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em
Do virus
Phần lớn NKHHCT ở trẻ em đặc biệt là nhiễm khuẩn đường hô hấp trên thường do virus. Vì phần lớn virus có ái lực với đường hô hấp. Khả năng lây lan của virus dễ dàng. Tỷ lệ người lành mang virus rất cao. Khả năng miễn dịch với virus còn yếu và ngắn.
Những virus thường gặp gây NKHHCT ở trẻ em là: Respiratory syncitral virus, Influenzae virus, Paranifluenzae virus, virus sởi, Adeno virus, Rhino virus, Entero virus,Corna virus.
Các virus khi tiếp xúc với niêm mạc đường thở sẽ xâm nhập vào tế bào tổng hợp các sản phẩm cần thiết cho virus khiến cho các tế bào mất các chức năng rồi dần bị thoái hóa. Trong khi đó các virus hoàn chỉnh dần rồi thoát ra khỏi tế bào để rồi lại xâm nhập và phá hủy các tế bào lành gần đó. Cứ như vậy virus nhân lên và niêm mạc đường hô hấp bị tổn thương viêm thoái hóa.
Do vi khuẩn
+ Tại Việt Nam, vi khuẩn là nguyên nhân quan trọng gây NKHHCT ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trong đó hai vi khuẩn thường gặp nhất gây NKHHCT trẻ em là Haemophilus Influenzae và Streptococcus Pneumonoae.
+ Các vị khuẩn khi tiếp xúc với niêm mạc đường thở sẽ nhanh chóng nhân lên tiết ra các chất làm huỷ hoại tế bào. Các bạch cầu được huy động tới ổ viêm và thực bào một số bạch cầu bị chết và thành tế bào mủ đó là chỉ điểm của bệnh phẩm viêm phổi do vi khuẩn.
Do ký sinh trùng
Có thể gặp Pneumocysti carinii gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, suy dinh
dưỡng. Nấm Candida albicans từ miệng lan xuống gây viêm phôi.
Những yếu tố nguy cơ gây NKHHCT ở trẻ em
Do thiếu sữa mẹ
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất đặc biệt là đối với những tháng đầu của cuộc đời đứa trẻ. Sữa mẹ rẻ tiền, tiện lợi, vệ sinh, lại giàu chất vitamin A và kháng thể. Trong sữa mẹ đặc biệt là sữa non có nhiều kháng thể, có men Lyzozyme, chất nhầy muxin, đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính, bạch cầu lympho B và T nên có khả năng diệt khuẩn đồng thời giúp đỡ cơ thể sinh kháng thể. Vì thế thiếu hoặc không được bú sữa mẹ là một nguy cơ quan trọng của NKHHCT trẻ em.
Do suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A
Gần một phần ba số trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới hiện nay đang bị suy dinh dưỡng do thiếu protein – năng lượng, những trẻ em này thường kèm thiếu vitamin A và các vi chất dinh dưỡng khác. Những trẻ này biểu hiện bên ngoài là chậm lớn, chậm phát triển và những dấu hiệu đặc biệt về thiếu dinh dưỡng. Nhưng đặc biệt nghiêm trọng là giảm khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể, giảm khả năng biệt hóa của các tổ chức biểu mô dễ gây sừng hóa niêm mạc, đặc biệt là niêm mạc đường hô hấp. Nghiên cứu của nhiều tác giả khác đã chứng minh rằng: suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A là nguy cơ quan. trọng của NKHHCT ở trẻ em.
Do cân nặng sơ sinh thấp
Cân nặng sơ sinh thấp không những nguy hiểm tới tính mạng của đứa trẻ mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển của đứa trẻ sau này, đặc biệt nó là nguyên nhân khiến đứa trẻ dễ bị mắc bệnh NKHHCT.
Do tiếp xúc với người đang nhiễm trùng đường hô hấp
Các giọt nước bọt nhỏ hoặc nước mũi trong khi ho, hắt hơi sẽ bị bốc hơi mạnh ở trong phòng, giọt này khô trước khi lắng xuống đất phần còn lại chứa vi khuẩn bay trong không khí như các dòng chuyển lưu của không khí trong phòng ở làm lan truyền các bệnh nhiễm trùng không khí. Chính vì thế mà trẻ nhỏ tiếp xúc với những người đang bị nhiễm trùng đường hô hấp dễ bị lây.
Do ô nhiễm không khí môi trường
Hiện nay ô nhiễm không khí, đang ngày càng là một mối nguy không nhỏ tới NKHHCT, bệnh hen ở trẻ em, đặc biệt là ở những vùng có khu công nghiệp phát triển, đầy khói bụi.
Do ô nhiễm không khí nội thất
Trẻ nhỏ sống trong những ngôi nhà cao tầng có không khí tù đọng hoặc những căn nhà ẩm thấp chật chội có nhiều khói bếp, khói thuốc lá hoặc có nhiều bụi là dị nguyên, thì tỷ lệ mắc bệnh hen, bệnh NKHHCT rất cao.
Do khí hậu
Bệnh hay xảy ra vào mùa đông, do trẻ bị nhiễm lạnh làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Bệnh hay xảy ra khi thời tiết chuyển mùa: nóng sang lạnh hoặc ngược lại.
Do vi khuẩn trú ngụ tại họng gây NKHHCT ở trẻ em
Hầu hết viêm phổi thường xảy ra sau nhiễm trùng tai mũi họng. Hiện nay, tỷ lệ viêm phổi tụ cầu tăng lên do sự lan tràn của mầm bệnh này, do sức đề kháng của tụ cầu với kháng sinh rất cao.
Do cơ địa
Bệnh hay xảy ra ở những trẻ đẻ non, sứt môi, hở hàm ếch, vẹo vách ngăn mũi, dị tật hầu họng, tim bẩm sinh v.v…
Đánh giá, phân loại và xử trí NKHHCT ở trẻ em
Đánh giá, phân loại NKHHCT ở trẻ em
Đánh giá
Triệu chứng hô hấp:
• Ho: là dấu hiệu thường xuyên gặp.
• Hắt hơi, chảy nước mũi, thở khò khè, thở nhanh, thở rít, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực.
Sốt: đa số trẻ sốt nhẹ cũng có thể sốt cao liên tục.
Triệu chứng tiêu hóa: nôn trớ, tiêu chảy, biếng ăn, chướng bụng.
Trường hợp nặng: trẻ có thể tím, không uống được, bú kém, co giật, li bì khó đánh thức…
Để phát hiện sớm, phân loại dễ dàng, cần chú ý 3 dấu hiệu đơn giản và quan trọng là: ho, thở nhanh, rút lõm lồng ngực.
Phân loại
Viêm phổi: khi có ho và thở nhanh.
Viêm phổi nặng hoặc bệnh rất nặng: Khi có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm toàn thân nào (co giật, ngủ li bì khó đánh thức, bỏ ăn/bỏ bú) hoặc có rút lõm lông ngực hoặc có thở rít khi nằm yên.
Không viêm phổi, ho hoặc cảm lạnh: Khi không có dấu hiệu viêm phổi hoặc bệnh nặng.
Xử trí NKHHCT ở trẻ em
Không viêm phổi, ho hoặc cảm lạnh
Giảm đau họng, giảm ho bằng thuốc an toàn.
Đưa trẻ đến khám ngay khi: có các dấu hiệu nguy hiểm toàn thân hoặc ho tăng lên hoặc sốt cao từ 38,5 độ C hoặc thở nhanh, thở rít, khò khè…
Khám lại sau 2 ngày nếu không tiến triển tốt.
Nếu ho đã trên 30 ngày, chuyển lên tuyến trên.
Viêm phổi
Cho kháng sinh thích hợp trong 5 – 7 ngày.
Giảm đau họng, giảm ho bằng thuốc an toàn.
Đưa trẻ đến khám ngay khi: có các dấu hiệu nguy hiểm toàn thân hoặc ho tăng lên hoặc sốt cao từ 38,5 độ C hoặc thở nhanh, thở rít, khò khè…
Khám lại sau 2 ngày.
Nếu ho đã trên 30 ngày, chuyển lên tuyến trên.
Viêm phổi nặng hoặc bệnh rất nặng
Có chỉ định nhập viện và cho liều kháng sinh thích hợp.
Kết hợp điều trị nguyên nhân, triệu chứng và dinh dưỡng.
Ảnh hưởng của nhiễm khuẩn hô hấp tới tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em
Sút cân
Khi bị NKHHCT, trẻ thường bị sút cân vì những lý do sau đây:
- Mất nước qua da và hơi thở do sốt.
- Trẻ ăn kém, bú kém hoặc không uống được.
- Tiêu hao năng lượng do sốt, do nhiễm trùng.
- Trẻ thường bị nôn và tiêu chảy.
Bạn chưa biết cách cho trẻ ăn khi bị NKHHCT, thậm chí còn bắt trẻ nhịn ăn, kiêng ăn. Vì vậy, lượng thức ăn cung cấp cho trẻ bị thiếu nghiêm trọng. Do đó, sau mỗi lần nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trẻ đều bị sụt cân. Đặc biệt là những trẻ nhỏ, trẻ viêm phổi nặng hoặc những trẻ không có phương pháp chăm sóc đúng. NKHHCT là một trong những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng.
Vòng xoắn bệnh lý NKHHCT – Tiêu chảy – Suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng (SDD) là một tình trạng phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi hiện nay. Đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Trẻ bị suy dinh dưỡng thì không những hay bị mắc NKHHCT mà thời gian mỗi lần ốm cũng kéo dài. Theo WHO thì số ngày ốm vì NKHHCT ở trẻ bị SDD kéo dài trung bình là 14,5 ngày, cao hơn nhiều so với trẻ không bị SDD là 10,9. Số bị viêm phổi ở trẻ SDD là 45,8/1000, trong khi đó tỷ lệ này ở nhóm trẻ không bị SDD là 37/1000.
Khi bị NKHHCT thường kéo theo những đợt tiêu chảy vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì nguyên nhân gây bệnh như virus; vì nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn; vì sử dụng nhiều loại kháng sinh diệt khuẩn. Khi bị tiêu chảy lại làm cho trẻ giảm hấp thu, kém ăn và SDD tăng lên. Như vậy giữa NKHHCT, tiêu chảy và SDD có mối liên quan khép kín gây vòng luẩn quẩn bệnh này kéo theo bệnh kia và ngược lại.
Bạn phải cắt được một khâu trong đó thì mới có thể giúp con bạn khỏe mạnh được. Giảm tiêu chảy bằng cách bổ sung men vi sinh lợi khuẩn cao trong khi dùng bị hoặc khi dùng kháng sinh. Bổ sung các chất dinh dưỡng trong và sau khi bị ốm hoặ khi con bị nhẹ cân SDD. Tiêm chủng đủ mũi cho con theo chương trình tiêm chủng mở rộng và ngoài chương trình như cúm, phế cầu…
Phòng chống NKHHCT góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em
NKHHCT là một trong những nguyên nhân phổ biến gây SDD. Việc phòng chống NKHHCT cũng chính là một nhiệm vụ của chương trình phòng chống SDD quốc gia. Vì vậy, nhiệm vụ phòng chống NKHHCT ở trẻ em cũng là một vấn đề cộng đồng đòi hỏi có sự tham gia của nhiều ban ngành. Phải làm thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể hằng ngày. Để đạt được mục tiêu đó nhiệm vụ phải làm là:
Nâng cao năng lực của bà mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ
Phải biết đếm nhịp thở cho con mình.
Tần số thở bình thường ở trẻ em giảm dần theo tuổi như sau:
- Sơ sinh: 40 – 60 lần/phút
- 3 tháng: 40 – 45 lần/phút
- 6 tháng: 35 – 40 lần/phút
- 1 tuổi: 30 – 35 lần/phút
- 3 tuổi: 25 – 30 lần/phút
- 6 tuổi: 20 – 25 lần/phút
- 12 tuổi: 20 – 22 lần/phút
- 15 tuổi: 18 – 20 lần/phút
- Người lớn: 15 – 16 lần/phút
Nhận biết được dấu hiệu chính của NKHHCT ở trẻ em là: sốt, ho và thở nhanh.
Nhận biết được những dấu hiệu nặng khi bị NKHHCT ở trẻ em là:
- Sốt cao hoặc hạ nhiệt độ.
- Bú kém hoặc không ăn được gì.
- Co giật.
- Ngủ li bì khó đánh thức.
- Trẻ bị SDD nặng.
- Thở rít khi nằm yên.
- Rút lõm lồng ngực.
- Tím tái.
Bạn cần phải biết làm gì khi trẻ bị sốt, ho và thở nhanh: phải cho bú hoặc cho ăn nhiều bữa hơn bình thường. Cho trẻ bú thường xuyên và lâu hơn, ăn những thức ăn mềm, đa dạng, ngon miệng, dễ tiêu và chia thành nhiều bữa nhỏ.
Làm sạch mũi nếu tắc mũi làm cản trở ăn uống, nếu trẻ khó thở ngậm bắt vú khó khăn thì vắt sữa đổ bằng thìa.
Cho trẻ uống đủ nước.
Dùng thuốc hạ sốt khi sốt từ 38,5 độ C với trẻ không có tiền sử co giật hoặc từ 37,8 độ C với trẻ có tiền sử co giật.
Không tự ý dùng nhiều loại thuốc giảm ho tây y.
Cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để có các biện pháp điều trị thích hợp.
Cho trẻ đi cấp cứu khi có một hoặc nhiều dấu hiệu nặng của NKHHCT.
Nâng cao năng lực với cán bộ y tế tuyến cơ sở
Phải có năng lực chẩn đoán và xử trí mọi trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính vừa và nhẹ. Chẩn đoán sớm điều trị thích hợp những trường hợp NKHHCT, hướng dẫn biện pháp cách ly phòng dịch khi cần thiết, kết hợp với chính quyền phòng chống dịch. Phải phát hiện kịp thời và chuyển tuyến trên những bệnh nhân viêm phổi nặng. Phải có năng lực giám sát các bệnh lây cấp tính theo đường hô hấp như cúm, sởi, ho gà, bạch hầu, lao.
Nâng cao năng lực với giáo viên mầm non và tiểu học phải biết
Đếm nhịp thở và đánh giá kết quả trẻ thở nhanh, chậm hay bình thường.
Biết phát hiện 3 triệu chứng chính của viêm phổi là: sốt, ho, thở nhanh.
Phải báo cho y tế khám và điều trị khi trong lớp có trẻ bị sốt, ho.
Cách ly trẻ em bị bệnh ngay từ khi mới phát hiện và phối hợp với gia đình, cán bộ y tế điều trị triệt để.
Tổ chức dọn vệ sinh, tẩy uế phòng học, phòng chơi của trẻ, nhất là trong mùa đông – xuân.
Hoạt động phòng chống NKHHCT ở trẻ em đòi hỏi phải liên ngành và có tính xã hội cao. Mỗi cá nhân và ban ngành phải có trách nhiệm cụ thể.
Trách nhiệm của ngành y tế, đặc biệt là y tế cơ sở
Quản lý tốt thai nghén, đề phòng đẻ non yếu, truyền thông giáo dục cho ba mẹ để tránh đẻ non và cân nặng sơ sinh thấp.
Đảm bảo an toàn và vệ sinh phòng đẻ. Tránh để trẻ sơ sinh bị ngạt, hít phải nước ối, nhiễm khuẩn, viêm da, viêm rốn, viêm phổi.
Tham vấn nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ được nuôi dưỡng tốt và có đủ sức đề kháng phòng chống bệnh nhiễm trùng.
Làm tốt chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng 6 bệnh lây lan cấp tính.
Tuyên truyền cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, có thai và cho con bú về 1000 ngày đầu đời của trẻ.
Trách nhiệm mọi thành viên trong gia đình
Thực hiện tốt phong trào vận động cấm hút thuốc lá, đặc biệt là nơi công cộng và trong phòng có trẻ nhỏ.
Đảm bảo vệ sinh nhà ở sạch, đủ ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm về đông.
Cho trẻ đi khám bệnh khi có ho, sốt…
Về mùa hè phải luôn cho trẻ uống đủ nước.
Về mùa đông luôn giữ ấm đặc biệt là cổ, ngực, gan bàn chân, bàn tay.
Tránh tiếp xúc giữa trẻ với người lớn bị ho.
Cho trẻ đi tiêm chủng đúng lịch.
Tập luyện cho trẻ đề có sức đề kháng tốt.
Trách nhiệm của nhà trẻ và trường học
Đảm bảo vệ sinh lớp học, đủ ánh sáng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
Báo cáo kịp thời cho ngành y tế biết để khám điều trị cho các học sinh bị ho, sốt, cách ly tránh lây lan.
Đưa chương trình truyền thông giáo dục dinh dưỡng sức khoẻ bệnh tật vào trong chương trình học tập.
Nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ bị bệnh NKHHCT
Bệnh NKHHCT ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em. Việc chăm sóc nuôi dưỡng có vai trò hết sức quan trọng giúp nhanh khỏi bệnh, phục hồi dinh dưỡng, giảm tỷ lệ SDD ở trẻ em. Để đạt được mục tiêu đó bà mẹ và những người nuôi dưỡng trẻ phải làm tốt các việc sau:
Cho trẻ ăn số lượng nhiều hơn ngày thường
Trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp thường bị sốt, thở nhanh hơn ngày thường vì vậy nhu cầu năng lượng sẽ cao hơn. Đòi hỏi trẻ phải được cung cấp nhiều năng lượng hơn. Cần phải cho trẻ em mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp ăn với số lượng nhiều hơn thì với đủ năng lượng đảm bảo cho nhu cầu hàng ngày và bù lại cho năng lượng tiêu hao do bệnh nhiễm khuẩn.
Cho trẻ ăn nhiều bữa hơn ngày thường
Trẻ bị NKHHCT thường đau họng, ngạt mũi, nôn trớ, chướng bụng, nên thường biếng ăn. Để trẻ có thể ăn được, bạn phải cho bú mẹ nhiều lần hơn. Nếu trẻ đã ăn sam thì cho trẻ ăn nhiều bữa hơn ngày thường. Số lượng thức ăn mỗi bữa khi ốm ít hơn so với bữa ăn của trẻ khỏe.
Thức ăn cho trẻ phải nấu nhừ hơn và lỏng hơn
Trong thời gian bị NKHHCT trẻ biếng ăn, tiêu hóa kém và dễ bị nôn trớ, gây khó khăn hơn trong việc nuôi dưỡng. Trong khi đó nhu cầu dinh dưỡng trẻ ốm lại cao hơn.
Để đảm bảo dinh dưỡng, cần cho trẻ ăn nhiều bữa hơn bình thường và giúp trẻ dễ ăn hơn, dễ tiêu hơn. Thức ăn phải ninh nhừ dễ tiêu, tránh những thức ăn lạnh, chua, cay, dị ứng, vì nó sẽ làm cho trẻ ho nhiều hơn.
Sử dụng các thuốc giảm ho an toàn như: mật ong hấp quất, lá hẹ hấp mật ong, hoa hồng hấp đường phèn, giảm đau họng, giảm ho, giúp trẻ ăn tốt hơn
Cho trẻ uống nhiều nước hơn ngày thường
Bệnh NKHHCT thường làm cho trẻ sốt, thở nhanh, nôn trớ, biếng ăn, tiêu chảy có thể gây mất nước. Do trẻ ốm, mệt mỏi, ít khi đòi uống nước, nên bạn thường bỏ quên, không cho trẻ uống nước. Bạn có thể nhận biết sự thiếu nước của trẻ bằng những dấu hiệu như: trẻ bị khô môi, khô miệng, khô da, đái ít và thậm chí ít nước mắt.
Uống đủ nước còn có tác dụng làm long đờm, giúp trẻ ho và khạc đờm dễ dàng hơn, giúp bệnh thuyên giảm nhanh hơn.
Cho trẻ uống đủ nước, phải chủ động cho trẻ uống nước. Uống thường xuyên, uống từng ngụm nhỏ bằng thìa, không đợi đến khi trẻ khát và đòi uống.
Vệ sinh cá nhân cho trẻ
Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 2 tháng phải chú ý giữ ấm cổ, ngực, gan bàn chân, bàn tay.
Chăm sóc mũi:
+ Khi bị viêm mũi thường làm xuất tiết nhầy và ngạt mũi cản trở việc ăn và bú của trẻ. Do đó, phải thường xuyên làm thông thoáng mũi.
+ Sử dụng các dụng cụ hút mũi, rửa mũi kết hợp với rỏ thuốc sát khuẩn mũi.
+ Cũng có thể dùng giấy bản quấn tổ sâu kèn rồi lấy mũi cho trẻ.
+ Người mẹ có thể dùng miệng để mút mũi kết hợp nhỏ thuốc sát khuẩn.
+ Chú ý chỉ nhỏ mũi thuốc sát khuẩn như: nước muối sinh lý ấm, Sunfarin sau khi đã làm sạch mũi.
Theo dõi phát hiện các dấu hiệu nặng
Thường xuyên theo dõi phát hiện các dấu hiệu nặng lên của bệnh. Khi thấy xuất hiện các dấu hiệu này phải chuyển trẻ đi bệnh viện để điều trị kịp thời.
Bác Sĩ Hướng