Còi xương là một hội chứng do rối loạn quá trình khoáng hóa tổ chức tiền xương trong giai đoạn tăng trưởng.
Trong còi xương, tất cả các xương đều có biểu hiện kém vôi hóa. Tuy nhiên biểu hiện lâm sàng chính lại ở các xương dài. Vì trẻ em trưởng xương tại sụn tiếp hợp của các xương dài.
Ở người lớn, sự tăng trưởng đã hoàn thành, rối loạn quá trình khoáng hóa chỉ tác động rõ ở những vùng tạo lại xương. Biểu hiện bằng sự tích tụ lan tràn và liên tục các tổ chức tiền xương, đó là hiện tượng loãng xương.
Còi xương và nhuyễn xương luôn phối hợp với nhau trong quá trình tăng trưởng. Nguyên nhân của hai hiện tượng này là do: thiếu vitamin D trong chế độ ăn, giảm tổng hợp vitamin D nội sinh do ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, kém hấp thu vitamin D ở ruột, thiếu canxi, thiếu phospho. Những rối loạn chuyển hóa vitamin D mắc phải hoặc di truyền. Những khiếm khuyết di truyền các receptor của 1,25(OH)2D tại các mô đích, rối loạn chức năng ống thận…
PHÂN LOẠI CÒI XƯƠNG
Theo cơ chế bệnh sinh, có thể phân loại bệnh còi xương như sau:
Còi xương do thiếu vitamin D
- Thiếu vitamin D trong chế độ ăn, thức ăn có nhiều phytate, phosphate.
- Kém hấp thu vitamin D, gặp trong hội chứng kém hấp thu, bệnh gan mật, suy tụy.
- Thiếu ánh sáng mặt trời.
Còi xương kháng vitamin D
Do rối loạn chuyển hóa vitamin D tiên phát
- Còi xương giảm phosphat máu có tính chất gia đình. Còi xương hạ phoosphat máu di truyền trội, liên quan đến nhiễm sắc thể X. Còi xương hạ phoosphat máu di truyền trội, nhiễm sắc thể thường. Còi xương hạ phoosphat máu di truyền ẩn, nhiễm sắc thể thường. Còi xương hạ phoosphat máu di truyền, có tăng canxi niệu.
- Còi xương do giảm men phosphatase.
- Còi xương hạ phosphat máu kèm tăng canxi niệu và đái ra globin trọng lượng phân tử thấp.
Do rối loạn chuyển hóa vitamin D thứ phát
- Thiếu PO4.
- Thiếu canxi.
- Do dùng thuốc chống động kinh.
- Suy thận mạn.
- Các bệnh ống thận: nhiễm toan ống thận và hội chứng Fanconi.
- Còi xương hạ phosphat máu do phụ thuộc khối u.
- Còi xương hạ phosphat máu ”Vô căn” rải rác.
HỘI CHỨNG CÒI XƯƠNG
Còi xương do bất kỳ nguyên nhân gì thì cũng có các triệu chứng chung về giải phẫu bệnh lý, lâm sàng và X-quang.
Giải phẫu bệnh lý
Để khoáng hóa mô xương, canxi và phospho phải có mặt đầy đủ ở vị trí khoáng hóa. Đồng thời chức năng của tế bào xương và tế bào sụn phải nguyên vẹn. Khuôn hữu cơ phải đầy đủ và nồng độ các chất ức chế thấp. Nếu tế bào tạo xương tiếp tục sản xuất thành phần khuôn xương. Mà thành phần này không được khoáng hóa một cách đầy đủ, thì sự sản xuất khuôn xương cũng sẽ giảm dần.
Trong xương, tỉ lệ tạo xương bề mặt tăng, thể tích và độ dày chất dạng xương tăng và hoạt động khoáng hóa giảm. Sự khoáng hóa không đầy đủ của sụn tiếp hợp ở đầu xương là một điển hình. Sụn tiếp hợp tăng về độ dày. Những cột tế bào sụn bị phá hủy và sự sắp xếp các cột sụn có thể biến mất hoàn toàn, nhường chỗ cho các tế bào sụn không cấu trúc.
Các mạch máu phân bố lộn xộn, vỏ xương mỏng đi, hệ thống Haver không đều và tổ chức xương không được canxi hóa. Vùng xương xốp cũng mỏng đi. Tăng hủy xương và tăng năng giáp trạng thứ phát, góp phần thêm vào các rối loạn trên.
Hậu quả là làm mất sự cứng rắn của xương, gây biến dạng xương. Do ảnh hưởng của sự co cơ và trọng lượng cơ thể. Nếu còi xương không được điều trị, sự phát triển sụn tiếp hợp đầu xương bị chậm lại, chiều dài xương dài bị giảm đi.
Dấu hiệu lâm sàng
Biểu hiện lâm sàn của bệnh nổi bật nhất ở thời gian mà tốc độ tăng trưởng lớn nhất. Cho nên thường gặp còi xương trong những năm đầu đời, giai đoạn phát triển xương mạnh nhất. Các tổn thương không gây đau ở trẻ bú mẹ. Trong khi đó lại gây đau ở trẻ lớn và người lớn. Nói chung, biểu hiện lâm sàng của bệnh phụ thuộc vào tuổi, thời gian mắc bệnh và mức độ nặng của bệnh. Một người có thể có nhiều biểu hiện hoặc cũng có thể chỉ có một biểu hiện bệnh.
Biểu hiện ở chi
- Phình to đầu xương, biến dạng, gãy xương.
- Phình to đầu xương tương ứng với phì đại vùng trưởng thành và sự tích tụ tổ chức dạng xương tại các sụn tiếp hợp. Chúng thể hiện dưới dạng vòng có thể sờ, nhìn thấy được ở cuối xương dài, nhưng rõ nhất là ở cổ tay và cổ chân.
- Biến dạng xương chi dưới chỉ thấy trong các dạng tiến triển. Sau khi trẻ đã tập đứng và đi: biến dạng cong xương đùi và xương chày ở chỗ nối 2/3 trên và 1/3 dưới làm cho chân có hình chữ X hoặc chứ O. Tuy nhiên, các biến dạng này có thể có trước khi biết đi, ở vị trí 1/3 dưới xương chày, do tác dụng của sự co cơ. Biến dạng ở chi trên ít gặp hơn và thường thấy ở xương cẳng tay trong các thể còi xương nặng và tiến triển.
- Gãy xương tự nhiên có thể gây nên các biến dạng nhưng không gây đau và ít di lệch.
Biểu hiện ở xương sọ
- Mềm sọ, biến dạng, các đường khớp và thóp chậm liền.
- Dấu hiệu mềm xương sọ có nghĩa là khi ấn vào vùng chẩm và vùng đỉnh, có cảm giác như ấn vào quả bóng bàn. Tuy nhiên, dấu hiệu này chỉ có giá trị với bệnh còi xương ở trẻ trên 3 tháng tuổi.
- Bẹp vùng chẩm hoặc vùng đỉnh do bị tỳ đè nhiều ở trẻ dưới 1 tuổi.
- Bướu trán rất đặc trưng trong trường hợp còi xương tiến triển lâu. Bướu này phần lớn liên quan đến sự dày của xương sọ do tích tụ của tổ chức dạng xương không được khoáng hóa đầy đủ. Thóp rộng, khớp sọ chậm liền cũng là hậu quả của rối loạn khoáng hóa.
Biểu hiện ở xương lồng ngực, cột sống, xương chậu
- Chuỗi hạt sườn là do sự phì đại tổ chức sụn nới tiếp nối giữa sụn và xương ở phía trước.
- Lồng ngực bị biến dạng do sự co cơ. Xương ức nhô lên hoặc lõm xuống làm thành ngực gà hoặc ngực lõm lòng thuyền. Các xương sườn cũng bị kéo lõm xuống tạo thành rãnh Filatop.
- Gù vẹo cột sống chỉ thấy ở còi xương nặng và kéo dài.
- Xương chậu có thể bị biến dạng và là nguyên nhân đẻ khó của trẻ gái khi trưởng thành.
Biểu hiện ở răng
Chậm mọc răng, men răng xấu và sâu răng rất hay gặp ở răng sữa. Tuy nhiên, nếu còi xương muộn, kéo dài và trầm trọng thì răng vĩnh viễn cũng bị ảnh hưởng.
Biểu hiện ở cơ và dây chằng
Giảm trương lực cơ là triệu chứng rất hay gặp nhưng không cố định. Đó là nguyên nhân gây bụng to và thoát vị rốn do giảm trương lực cơ thành bụng, cũng như chậm phát triển vận động. Ở trẻ bú mẹ, yếu cơ hô hấp và mềm khí quản có thể làm cho lồng ngực biến dạng thêm và góp phần làm cho trẻ dễ bị suy hô hấp, xẹp hổi và viêm phổi.
Dấu hiệu X-quang
Khi xuất hiện các triệu chứng Xquang ở xương thì chứng tỏ đã có sự thiếu hụt khoáng hóa nặng từ trước rồi. Tuy nhiên, các triệu chứng Xquang xương rất có giá trị cho chẩn đoán sớm còi xương. Những bất thường về Xquang xương luôn xảy ra trước khi có các triệu chứng lâm sàng. Xquang xương cổ tay ở tư thế ngửa và xương đầu gối ở tư thế thẳng là hữu ích nhất. Vì đây là những vị trí nhạy cảm nhất với những thay đổi của còi xương.
Ở giai đoạn muộn, những hình ảnh bất thường về Xquang rất rõ. Đó là vùng hành xương rộng ra theo chiều ngang, có gai bên, dạng tua và xẻ lược đường hành xương, khoảng cách hành – đầu xương rộng ra. Chậm xuất hiện điểm cốt hóa, các điểm cốt hóa mờ, không rõ, không đều, vỏ xương mỏng. Nhưng ở trẻ lớn, khi còi xương đã tiển triển lâu, vỏ xương dày khác thường ở các xương dài của chi dưới. Do sự đắp thêm vào của các lớp dạng xương khoáng hóa một phần.
Một số dấu hiệu Xquang khác của còi xương
Ở ngực
Đầu trước các xương sườn rộng ra và dẹt làm thành “nút chai rượu sâm banh”. Trong các thể nặng và tiến triển, có thể thấy mất khoáng hóa xương sườn, gãy xương hoặc can xương quá phát. Trong trường hợp có biến dạng các chi, hình ảnh Xquang cho thấy chính xác hơn sự biến dạng.
Ở xương chậu
Có hiện tượng khép góc cổ – hành xương và đôi khi có hiện tượng ổ cối xương đùi ấn sâu vào trong xương chậu.
Trong còi xương kéo dài thì tổn thương các xương nhỏ và xương cột sống mới có biểu hiện trên xquang. Trong các thể mạn tính, hình ảnh giả gãy xương hoặc các vân Looser – Milkman có thể xuất hiện.
CÁC THỂ BỆNH ĐẶC BIỆT
Còi xương thiếu vitamin D
Đây là bệnh rất phổ biến ở các thành phố công nghiệp vào thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20. Từ khi tìm ra vitamin D, việc phòng bệnh còi xương bằng bổ sung vitamin D vào chế độ ăn của trẻ đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh. Tuy nhiên, còi xương thiếu vitamin D vẫn còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng của trẻ em ở nhiều quốc gia.
Sinh lý bệnh
Vitamin D ở trẻ nhũ nhi có được từ ba nguồn. Dự trữ thu được từ người mẹ trong thời kỳ mang thai, sữa mẹ và tổng hợp nội sinh do tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
Tỉ lệ thiếu vitamin D ở trẻ nhũ nhi cao là do 3 nguồn nêu trên rất dễ bị thiếu. Nồng độ vitamin D trong thức ăn thấp, hầu như không đáng kể. Dự trữ vitamin D ở trẻ sơ sinh phụ thuộc vào tình trạng vitamin D của người mẹ. Cho nên, bà mẹ bị thiếu vitamin D thì đứa con của họ sẽ có hiểu hiện thiếu vitamin D ngay trong thời kỳ bào thai.
Triệu chứng lâm sàng
Ngoài các triệu chứng lâm sàng chung của bệnh còi xương. Còi xương do thiếu vitamin D có những đặc điểm sau:
Những điều kiện thuận lợi: tình trạng thiếu dinh dưỡng, tình trạng đẻ non, tình trạng kém hấp thu, người mẹ thiếu vitamin D, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, da màu…
Những biểu hiện hạ canxi máu: Các cơn co giật thường là giật rung lan tỏa tứ chi, chuyển động nhãn cầu nhưng không có sốt.
Những biểu hiện tăng nhạy cảm thần kinh cơ: vật vã, kích thích, giật mình…
Cơn tetani điển hình gây co thắt cổ tay, bàn chân có dấu hiệu báo trước bằng cảm giác kiến bò. Gây biến dạng bàn tay kiểu bàn tay đỡ đẻ, bàn chân vẹo trong. Dấu hiệu này chỉ quan sát thấy ở trẻ lớn.

Nguyên nhân của các triệu chứng lâm sàng
Vitamin D có trong sữa mẹ rất ít (30 – 60UI/lít). Trừ khi bà mẹ có dự trữ vitamin D tốt do thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc được bổ sung trong chế độ ăn. Tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng mặt trời là khó có thể đối với hầu hết trẻ trong những tháng đầu. Chưa kể tới sự ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự tổng hợp vitamin D nội sinh.
Thiếu vitamin D làm cho hấp thu ở ruột bị giảm và dẫn tới nồng độ canxi ngoài tế bào giảm. Dẫn đến sự khoáng hóa bị thiếu hụt và tăng năng cận giáp trạng thứ phát. Hậu quả của thiếu vitamin D có thể được minh họa bằng sơ đồ dưới đây:

Co thắt thanh quản ở trẻ còn bú tuy ít gặp nhưng rất nặng. Cơn thở nhanh nông và tím tái xen kẽ với những lúc thở chậm hoặc ngừng thở tạm thời. Co thắt thanh quản có thể gây tử vong đột ngột.
Suy tim có thể chỉ là một ngoại lệ của hạ canxi máu. Thường gặp ở trẻ 3 – 8 tháng tuổi, trong khi đó những biểu hiện lâm sàng còi xương rất kín đáo.
Trong thực tế lâm sàng, tất cả mọi cơn co giật của trẻ bú mẹ cần phải định lượng canxi huyết. Tất cả các trường hợp hạ canxi huyết ở tuổi này đều phải chú ý phát hiện còi xương do thiếu dinh dưỡng.
Sinh hóa
Những rối loạn của chuyển hóa canxi – phospho thay đổi tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh như sau:
Giai đoạn 1
Do hấp thu canxi ở ruột giảm và giải phóng canxi từ xương giảm gây nên giảm canxi máu. Phospho máu thường là bình thường. Phosphate kiềm tăng. Giảm canxi máu ở giai đoạn này là thoáng qua. Từ vài ngày cho đến khi tăng năng tuyến cận giáp trạng thứ phát đưa canxi máu trở về bình thường.
Giai đoạn 2
Do sự huy động canxi từ xương và tái hấp thu canxi ở thận tăng. Nên nồng độ canxi máu trở về bình thường. Tăng năng cận giáp trạng thứ phát gây tăng bài tiết AMP vòng qua nước tiểu. Giảm phosphat máu và làm cạn kiệt 25-OH-D huyết thanh vốn đã thấp. Tăng bài tiết PTH vẫn tiếp tục. Mặc dù canxi máu bình thường có thể do nồng độ 1,25(OH)2D tăng chưa đủ. Chưa phù hợp để ức chế tuyến cận giáp trạng và cải thiện canxi nội môi bị rối loạn.
Giai đoạn 3
Thiếu chất chuyển hóa vitamin D tương đối hoặc tuyệt đối làm huy động canxi từ xương không hiệu quả. Còi xương nặng do hậu quả phối hợp của thiếu canxi và phosphat, cũng như tăng năng tuyến cận giáp.
Tuy nhiên trong thực hành lâm sàng, khái niệm của giai đoạn 3 này thường không rõ ràng. Thực tế ở giai đoạn 1 còi xương, giảm canxi máu chỉ thấy ở một số ít bệnh nhân. Một số bệnh nhân có tình trạng giảm nặng cận giá trạng một phần. Bởi vì tình trạng giảm canxi máu vẫn tiếp tục nếu không được điều trị bằng vitamin D. Không có sự khác nhau rõ ràng về lâm sàng và xquang giữa còi xương GĐ2 và GĐ3. Vì vậy, canxi máu bình thường có thể gặp trong còi xương nặng. Giảm canxi máu nặng có thể gặp ở bệnh nhân còi xương nhẹ trên lâm sàng và xquang.
Ở hầu hết các trường hợp, nồng độ phosphat máu thấp, phối hợp với tái hấp thu phosphat ống thận giảm và bài tiết canxi giảm. Tăng hoạt tính phosphatase kiềm là một triệu chứng hằng định. Đây là kết quả của sự nhân lên và kích thích các tạo cốt bào trong tình trạng thiếu canxi. Nồng độ PTH thường tăng. Nồng độ 25-OH-D thấp dưới mức bình thường (<11nmol/l). Nồng độ 1,25(OH)2D trong huyết tương bình thường hoặc thấp. Một số bất thường khác thường do cường năng cận giáp trạng thứ phát gây nên. Biểu hiện là tăng acid amin niệu, đường niệu, hydroxyprolin và AMP vòng trong nước tiểu tăng…
Thiếu máu
Thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ do thiếu sắt là rất hay gặp. Có thể gặp hội chứng Von Jacksch Luzet với đặc điểm: thiếu máu nặng, biểu hiện bệnh bạch cầu tủy mạn tính với tăng nguyên hồng cầu, tăng bạch cầu (tới 30000 BC/mm3), tăng tủy bào và có thể tăng nguyên tủy bào. Lách to, gan to và đôi khi lách to sinh máu ngoài tủy xương. Sinh bệnh học của hội chứng này chưa rõ ràng. Hội chứng này được chữa khỏi nhanh bằng vitamin D.
Cho nên, có thể có một sự liên quan trực tiếp của thiếu vitamin D với hội chứng này. Thực nghiệm gây thiếu vitamin D nặng ở chuột cho thấy có sự tăng đáng kể các tế bào Mast tủy xương. 1,25(OH)2D ức chế tăng sinh và kích thích sự biệt hóa dòng bạch cầu tủy trong ống nghiệm. Tuy nhiên, người ta chưa loại trừ vai trò của thiếu vitamin D hoặc các yếu tố vi lượng khác đối với nguyên nhân của hội chứng này.
Chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt
Chẩn đoán còi xương thiếu vitamin D dựa trên sự phối hợp của tiền sử chế độ ăn thiếu vitamin D. Các yếu tố nguy cơ làm giảm tổng hợp vitamin D dưới da. Những hình ảnh xquang điển hình trong còi xương và triệu chứng cận lâm sàng. Nồng độ PTH bình thường gần như không bao giờ xảy ra ở còi xương thiếu vitamin D. Và là một gợi ý cho rối loạn phosphat tiên phát. Thiếu canxi có thể xảy ra cùng hoặc không với thiếu vitamin D. Nồng độ 25-OH-D bình thường và tiền sử có một chế độ ăn thiếu canxi sẽ hỗ trợ cho chẩn đoán thiếu canxi đơn thuần.
Phòng bệnh còi xương
Bào thai phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng vitamin D của người mẹ. Cho nên, những bà mẹ có thai phải được bổ sung thêm 500 – 1000UI vtiamin D mỗi ngày. Và khuyến khích họ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Trẻ bú mẹ nên được bổ sung 400 – 800UI vitamin D mỗi ngày. Trẻ đẻ non thì nên bổ sung cao hơn và cần bổ sung thêm canxi, phospho để không bị bệnh còi xương thiếu vitamin D.
Bổ sung vitamin D hằng ngày là cách tốt nhất để thanh toán bệnh còi xương.
Điều trị còi xương thiếu vitamin D
Cung cấp đủ vitamin D, canxi và phospho là rất quan trọng trong điều trị còi xương thiếu vitamin D. Liều vitamin D bạn có thể tham khảo Ở ĐÂY.
Bổ sung canxi là rất cần thiết, đặc biệt là trong chế độ ăn. Hàng ngày cung cấp trong chế độ ăn khoảng 800mg canxi nguyên tố cho trẻ nhũ nhi và 1g cho thanh thiếu niên. Đây là liều tối thiểu trong tháng đầu điều trị. Trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu hạ canxi máu, phải tiêm canxi tĩnh mạch. Sau đó bổ sung bằng đường uống. Có thể giảm liều dần trong vòng 2 – 6 tuần ở những bệnh nhân đã được cung cấp đủ canxi trong chế độ ăn. Tiêm bắp hoặc uống 1,25(OH)2D (calcitriol) có hiệu quả trong những trường hợp hạ canxi máu cấp. Liều calcitriol thường dùng là 0,05mcg/kg/ngày. Tiêm canxi tĩnh mạch với liều ban đầu để điều trị hạ canxi máu là 20mg/kg (canxi clorua) hoặc 100mg/kg (canxi gluconat).
Tiên lượng
Hầu hết bệnh nhân có đáp ứng tốt với điều trị.
Sự phát triển vận động, những thay đổi Xquang và sinh hóa là những chỉ số để đánh giá kết quả điều trị. Canxi, phospho, PTH trở về bình thường trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Trong khi đó 1,25(OH)2D và phosphatase kiềm có thể vẫn còn cao trong nhiều tháng sau cho đến khi còi xương hồi phục hoàn toàn.
Triệu chứng xquang sớm nhất của hồi phục còi xương là xuất hiện một đường lắng đọng canxi ở ranh giới xương và sụn ở các xương dài. Sau 2 – 4 tuần điều trị bằng vitamin D. Cong xương dài có thể kéo dài 4 – 5 năm mới mất và rất ít khi phải điều trị chỉnh hình.
Còi xương thứ phát do rối loạn hấp thụ vitamin D
Vì vitamin D tan trong mỡ. Nên khi phòng bệnh còi xương bằng vitamin D sẽ không có tác dụng ở những bệnh nhân có rối loạn hấp thu mỡ.
Một số nguyên nhân gây rối loạn hấp thu vitamin D như: bệnh Celiac, Mucoviscidose, cắt đoạn ruột non, teo đường mật, suy gan nặng. Những trường hợp cắt đoạn dạ dày hoặc tạo hình môn vị gây nên hội chứng tăng lưu chuyển thức ăn quá mức (hội chứng Dumping).
Bệnh cảnh lâm sàng giống như còi xương do thiếu vitamin D. Nồng độ 25-OH-D thấp, nồng độ 1,25(OH)2D bình thường hoặc thấp. Tăng năng cận giáp trạng thứ phát.
Có thể điều trị còi xương bằng chế phẩm 25-OH-D liều 25-50mcg/ngày hoặc 1,25(OH)2D tốt hơn là dùng vitamin D3. Cần kết hợp với điều trị nguyên nhân rối loạn hấp thu vitamin D.
Còi xương hạ phosphat máu
Đó là còi xương có hạ phosphat máu nặng do thiếu cung cấp hoặc mất PO4 qua nước tiểu. Vì cung cấp vitamin D liều cao để điều trị mà không có kết quả, nên gọi là còi xương kháng vitamin D. Ngày nay, còi xương kháng vitamin D là những trường hợp còi xương do rối loạn chuyển hóa vitamin D tiên phát. Còn bệnh còi xương hạ phosphate máu vẫn ẩn chứa sự kháng vitamin D nên người ta gọi là còi xương kháng vitamin D có hạ phosphate máu. Về sinh lý bệnh học, người ta phân loại bệnh này ra làm hai thể sau:
Còi xương thứ phát do cung cấp PO4 thiếu
Đây là một thể lâm sàng rất hiếm và gần như bao giờ cũng xảy ra do điều trị. Vì trong thực tế dù chế độ ăn có mất cân đối, thì vẫn cung cấp đủ lượng PO4 cần thiết cho cơ thể. Ở trẻ em, có thể gặp khi nuôi dưỡng đường tĩnh mạch kéo dài do không cung cấp thêm PO4. Hoặc do giảm hấp thu phospho trong một số rối loạn hấp thu (bệnh gan mật, bệnh celiac, bệnh xơ gan). Trẻ sơ sinh đẻ non cân nặng quá thấp được nuôi dưỡng bằng sữa có quá nhiều canxi và ít PO4 cũng có thể mắc. Ở bệnh nhân suy thận có tăng phosphat máu được điều trị bằng các chất gắp phospho như hydroxyt nhôm cũng có thể mắc.
Bệnh cảnh lâm sàng và xquang có thể xuất hiện nhanh. Về lâm sàng thường thấy giảm phosphat nặng và không có phosphat trong nước tiểu. Canxi máu thường tăng cao. Canxi niệu rất tăng và tăng canxi niệu là một biến chứng nặng. Vì sẽ nhanh chóng gây nhiễm canxi thận, làm suy thận ở trẻ sơ sinh đẻ non.
Nồng độ PTH bình thường. Nồng độ 1,25(OH)2D tăng rất cao có lẽ do phosphat máu thấp đã kích hoạt men 1 alpha hydrxylase ở thận. Tăng calcitriol máu kích thích tăng hấp thu canxi từ ruột và tiêu xương dẫn đến tăng canxi máu và canxi niệu.
Điều trị bằng tăng cung cấp PO4 trong chế độ ăn hoặc giảm liều hydroxyt nhôm trong điều trị tăng phosphat máu trong suy thận nặng.
Còi xương hạ phosphat máu có tính chất gia đình
Còi xương hạ phosphat máu di truyền trội, liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính X
Bệnh có tỉ lệ 1/20000 trẻ sinh ra.
Đặc điểm lâm sàng là còi xương xuất hiện khá sớm. Bệnh tiến triển từ từ trong những năm đầu và thường được phát hiện khi trẻ một tuổi do sự biến dạng của chi dưới. Đôi khi bệnh xuất hiện muộn hơn, sau 4 tuổi, thậm chí ở tuổi vị thành niên hoặc người lớn. Trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái.
Tam chứng cổ điển
Giảm phosphat máu, biến dạng chi dưới tuần tiến và còi cọc. Mặc dù, giảm phosphat máu có từ sớm sau đẻ nhưng biến dạng xương thường được chú ý đến trước. Biến dạng chi dưới rất hay gặp, dưới dạng chân vòng kiềng, đôi khi gặp cả cong xương chày và xương đùi ra trước. Thường bao giờ cũng kết hợp với cong cổ xương đùi một hoặc hai bên, đối xứng hoặc không. Khuôn mặt có thể biến dạng như trán dô, sống mũi gãy. Một số trường hợp có hẹp xương sọ. Sự mọc răng và chất lượng răng ít bị ảnh hưởng so với còi xương thiếu vitamin D.
Tuy nhiên, có thể gặp tăng sinh lợi và áp xe lợi. Bệnh nhân thường chậm lơn và lùn nếu không được điều trị kịp thời. Biểu hiện giảm trương lực cơ thường kín đáo, dễ bỏ qua ở trẻ nhỏ. Ở trẻ lơn và người lớn thường có đau xương do loãng xương. Ngoài những triệu chứng trên, đứa trẻ vẫn bị ốm và canxi máu vẫn bình thường. Trẻ không bao giờ biểu hiện tetani hoặc co giật.
Xquang xương thấy hình ảnh còi xương điển hình. Hành xương rộng, vùng chuẩn bị khoáng hóa không đều, mờ. Ở trẻ lớn, mặt lồi các xương chày, xương đùi bị biến dạng, vỏ xương dày, tăng độ đặc xương (xơ xương) ở mâm chày và các xương dài. Từ 15 tuổi trở lên, có thể gặp hiện tượng vôi hóa và xương hóa gân, dây chằng và khớp. Căn nguyên của hiện tượng này đến nay vẫn chưa rõ.
Đặc điểm sinh học
Giảm phosphat máu là rối loạn sinh học chính <1mmol/l. Canxi và magie máu vẫn bình thường. Hoạt tính men phosphatase kiềm luôn luôn tăng và có trước cả giảm phosphat máu. Nồng độ PTh bình thường. Nồng độ 25-OH-D bình thường. nồng độ 1,25(OH)2D bình thường hoặc hơi thấp. Canxi niệu bình thường.
Về mặt di truyền
Điều tra di truyền là bước quan trọng trong chẩn đoán còi xương hạ phosphat máu. Chỉ có thể khẳng định được tính di truyền trội có liên quan đến nhiễm sắc thể X. Nếu thấy có kiểu di truyền trội của bệnh ở các thế hệ trước. Nhiều khi chỉ là biểu hiện phosphat máu thấp, không có triệu chứng lâm sàng gì khác. Ngoài người mẹ có khổ người bé hoặc có biến dạng chi dưới và phosphat máu thấp.
Bệnh sinh: gen thiếu hụt gọi là PHEX bỏi vì đó là một gen điều hòa phosphat tương đồng với các endopeptidase trên nhiễm sắc thể X. Sản phẩm của gen dường như có vai trò cả trực tiếp và gián tiếp trong việc bất hoạt phosphatonin. Yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi 23 có thể là đích của phosphatonin. Trong trường hợp thiếu vắng PHEX, sẽ làm giảm thoái giáng phosphatonin. Do phosphatonin có tác dụng ức chế tái hấp thu phosphat ở ống lượn xa, làm tăng bài tiết phosphat. Phosphatonin cũng ức chế 1 alpha-hydroxylase ở thận gây nên giảm tổng hợp 1,25(OH)2D.
Điều trị
Phối hợp cung cấp PO4 và 1,25(OH)2D là cách điều trị hiệu quả nhất. PO4 được dùng đường uống với liều 1 – 1,5g phospho nguyên tố 1 ngày cho trẻ dưới 2 tuổi và 3 – 5g/ngày cho trẻ lớn. Chia nhỏ liều PO4 trong ngày cách nhau 4-6 giờ. Duy trì nồng độ phosphate máu luôn > 1mmol/l sẽ cho kết quả tốt nhất.
Liều thông thường của 1,25(OH)2D là 0,25 – 2mcg/24h hoặc 0,5 – 3mcg/24h nếu là 1alpha-OH-D3. Dùng vitamin D với liều 200.000 – 600.000UI/ngày phối hợp với PO4 cũng cho kết quả tốt. Nếu phối hợp điều trị tốt, các rối loạn về sinh hóa cũng như các biến dạng xương sẽ giảm dần. Trong quá trình điều trị, cần theo dõi phosphatase kiềm, canxi huyết và canxi niệu.
Định kỳ 2 – 3 tháng siêu âm thận một lần để phát hiện nhiễm canxi thận tiềm tàng. Phosphatase kiềm trở về bình thường là dấu hiệu của sự đáp ứng điều trị tốt. Khi thấy tăng canxi huyết hoặc canxi niệu, cần nghĩ tới quá liều vitamin D. Hoặc do tỷ lệ cung cấp vitamin D và PO4 không thích hợp. Nếu thấy phosphat máu thấp, cần nghĩ tới liều PO4 chưa đủ. Với liều 1,25(OH)2D trên 40ng/kg/ngày thì có nguy cơ cao nhiễm canxi thận. Còn với liều 20ng/kg/ngày thì rất ít có khả năng bị nhiễm canxi thận.
Còi xương hạ phosphat máu di truyền trội, nhiễm sắc thể thường
Bệnh ít phổ biến hơn so với còi xương hạ phosphat máu di truyền trội, liên quan đến nhiễm sắc thể X.
Bệnh cảnh lâm sàng rất giống với nhiễm sắc thể X. Bệnh hay gặp ở trẻ trai, còi xương sớm, biến dạng xương và chậm lớn. Về xét nghiệm: ngoài nồng độ phosphat máu giảm ít hơn, còn các thông số khác cũng rất giống thể di truyền nhiễm sắc thế X. Nồng độ 1,25(OH)2D và PTh máu bình thường, canxi niệu bình thường.
Các biểu hiện khác với thể di truyền nhiễm sắc thế X: di truyền trội, chỉ cần điều trị bằng vitamin D cũng đủ chữa khỏi bệnh và bệnh tiến triển ít nặng hơn khi lớn lên.
Bệnh sinh của bệnh này là do đột biến trên gen mã hóa cho FGF-23. Sự đột biến ngăn cản sự thoái hóa FGF-23 bởi protease, gây nên tăng cường nồng độ phosphatonin. FGF-23 có tác dụng làm giảm sự tái hấp thu phosphat tại ống lượn xa của thận, điều đó gây nên giảm phosphat máu. Ngoài ra, FGF-23 còn ức chế 1 alpha-hydroxylase ở thận gây nên giảm tổng hợp 1,25(OH)2D.
Điều trị giống như còi xương hạ phosphat máu di truyền trội, liên quan đến nhiễm sắc thể X.
Còi xương hạ phosphat máu di truyền ẩn, nhiễm sắc thể thường
Bệnh cảnh lâm sàng và xét nghiệm rất giống với thể di truyền liên quan đến nhiễm sắc thể X. Nhưng cách truyền bệnh không giống. Bố mẹ cùng dòng máu và có chiều cao bình thường, không có biến dạng xương và phosphat máu bình thường.
Còi xương hạ phosphat máu di truyền có tăng canxi niệu
Đây là một thể khác hẳn với còi xương hạ phosphat máu di truyền liên quan đến nhiễm sắc thể X.
Có hai thể lâm sàng và sinh học như sau:
- Có đặc điểm di truyền ẩn, nhiễm sắc thể thường.
- Có đặc điểm di truyền trội, nhiễm sắc thể thường.
Hai thể này khác với thể di truyền liên quan đến nhiễm sắc thể X ở chỗ là tăng canxi niệu và tăng nồng độ 1,25(OH)2D.
Bệnh sinh có lẽ là do rối loạn tiên phát hấp thu PO4 ở ống thận. Nhưng không có rối loạn điều hòa 1 alpha hydroxylase thận. Như vậy bệnh cảnh ở đây giống với còi xương thứ phát do cung cấp phosphat thiếu. Nhưng nguyên nhân thiếu hụt là do đái ra PO4. Điều trị chỉ cần cung cấp phosphat, mà không cần thêm calcitriol.
Còi xương hạ phosphat máu kèm tăng canxi niệu và đái ra globin trọng lượng phân tử thấp
Bệnh rất hiếm gặp và khác với còi xương hạ phosphat di truyền có tăng canxi niệu. Vì ở đây hình như tăng canxi niệu do giảm hấp thu canxi tại ống thận tiên phát. Tăng canxi niệu ít thay đổi khi điều trị bằng PO4, nhưng lại đáp ứng với hypothiazid. Như vậy hình như thể này tương ứng với một bệnh ống thận rất đặc biệt, có rối loạn tái hấp thư PO4 và canxi tại ống thận nhưng độc lập với nhau.
Còi xương hạ phosphat máu phụ thuộc khối u
Đây là một thể bệnh rất hiếm, bao gồm còi xương ở trẻ em hoặc nhuyễn xương ở người lớn và có khối u. Khối u có nguồn gốc trung mô, khu trú ở xương hay phần mềm. Các khối u thường lành tính và tiến triển chậm. Kích thước khối u có thể rất bé, nên nhiều khi không thể phát hiện được trong thời gian dài. Có thể là u máu, u mạch máu và u xơ, u tế bào khổng lồ, u sụn, u dây thần kinh, u bao hoạt dịch khớp.
Các khối u này bài tiết ra một số loại phosphatonin khác nhau. Các phosphatonin này tạo nên các bệnh cảnh sinh hóa giống như trong bệnh còi xương hạ phosphat máu di truyền trội, liên quan đến nhiễm sắc thể X và còi xương hạ phosphat máu di truyền trội, nhiễm sắc thể thường. Đó là bài tiết nhiều phosphat qua nước tiểu, giảm phosphat máu, tăng phosphat kiềm và nồng độ 1,25(OH)2D rất thấp.
Khi thấy còi xương xuất hiện muộn, không có tính gia đình, có hạ phosphat máu cần nghĩ tới khối u và tìm vị trí nghi ngờ. Bệnh khỏi tự nhiên vài tháng sau khi cắt bỏ khối u. Trong trường hợp khối u không thể cắt bỏ, điều trị bằng cách phối hợp PO4 với vitamin D như trong còi xương di truyền liên quan đến nhiễm sắc thể X.
Còi xương hạ phosphat máu “vô căn” rải rác
Một số trường hợp còi xương hạ phosphatmáu rất giống với thể hạ phosphat máu có tính chất gia đình. Bệnh khởi phát rất sớm nhưng cũng có một số trường hợp khởi phát muộn. Khởi phát muộn hoặc còi xương hạ phosphat máu tiên phát mắc phải. Có thể một số trường hợp trong số này là thể có u lành. Còn một số khác là thể di truyền ẩn, nhiễm sắc thể thường.
Còi xương kháng vitamin D, giả thiếu vitamin D
Đây là nhóm bệnh do rối loạn chuyển hóa vitamin D tiên phát. Bệnh cảnh lâm sàng giống còi xương thiếu vitamin D. Khởi phát sớm nhưng cũng có một số trường hợp khởi phát muộn. Với các biểu hiện về sinh hóa là hạ canxi máu, tăng PTH và phosphatase kiềm. Sự kháng vitamin D được khẳng định khi điều trị bằng vitamin D không có kết quả. Còi xương kháng vitamin D, giả kháng vitamin D có hai type rất khác nhau. Cả 2 type đều là di truyền ẩn, nhiễm sắc thể thường. Định lượng các chất chuyển hóa của vitamin D sẽ cho phép phân biệt 2 type.
Type 1: thiếu men 1 alpha hydroxylase
Type này hay gặp, do thiếu hụt về gen tổng hợp men 1 alpha hydroxylase ở thận. Men này gồm ba thành phần riêng rẽ: cytocrom 450, ferredoxin và ferrdoxin reductase. Sự đột biến gen gây nên bệnh này đã xác định nằm trên nhánh dài nhiễm sắc thể 12. Vị trí đột biến là thành phần cytocrom 450 của 1 alpha hydroxylase. Xét nghiệm thấy nồng độ 1,25(OH)2D thấp, nồng độ 25-OH-D bình thường hoặc cao.
Việc chẩn đoán và điều trị không phù hợp có thể là nguyên nhân tử vong ở trẻ nhũ nhi. Vì hạ canxi máu và viêm phổi nặng. Điều trị ngắt quãng và ngừng điều trị trong một thời gian dài có thể dẫn đến lùn và biến dạng xương. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, phù hợp với từng cá thể suốt cuộc đời thì kết quả rất tốt. Trước điều trị bằng vitamin D liều cao 20000-100000UI/ngày. Ngày nay được thay thế bằng chế phẩm 1 alpha hydroxyl của vitamin D.
Khi còi xương đã khỏi thì dùng liều duy trì rất thấp. Ở bệnh nhân có giảm canxi máu nặng, dùng canxi đường tĩnh mạch kết hợp uống vitamin D là rất cần thiết trong những ngày đầu. Liều canxi uống từ 0,5-1g canxi nguyên tố mỗi ngày cho đến khi tổn thương xương hồi phục hoàn toàn. Bắt buộc phải theo dõi canxi máu, PTH, canxi niệu hoặc tỉ số canxi/creatinine trong mẫu nước tiểu buổi sáng chưa ăn. Đo huyết áp đều đặn và khám thủy tinh thể để phát hiện đục thủy tinh thể là rất cần thiết. Có thể tham khảo các thuốc điều trị như sau:

Type 2: kháng 1,25(OH)2D di truyền
Type này rất hiếm. Do đột biến gen receptor nên đã mã hóa các receptor thiếu hoặc bất thường tất cả các mô đích của 1,25(OH)2D. Sự rối loạn cảm thụ 1,25(OH)2D trong tế bào da, có 5 thể khác nhau của kháng 1,25(OH)2D. Rối loạn gắn 1,25(OH)2D lên các receptor bào tương. Ái tính gắn 1,25(OH)2D với các receptor thấp. Thiếu sót trong vùng gắn DNA của receptor. Thiếu sót trong vùng chuyển chỗ của receptor từ bào tương vào nhân. Thiếu hụt gen receptor của 1,25(OH)2D cho nên không tạo thành protein receptor. Trước bệnh cảnh hói tóc sớm và vòi xương, thì phải nghĩ đến thể này.
Về sinh hóa: tăng nồng độ 1,25(OH)2D và hạ canxi máu nặng.
Về điều trị: thường đáp ứng với liều cao calciferol có hoặc không có bổ sung canxi. Điều trị có thể làm bình thương canxi nội môi, khỏi còi xương nhưng không khỏi hói. Có 3 mức độ nặng của bệnh tương ứng với chiến lược điều trị như sau:

Tiêu chuẩn được coi là nặng vẫn chưa được thống nhất. Thông thường là không đáp ứng với điều trị và có các điều kiện sau:
Trị liệu phải đạt được nồng độ các chất chuyển hóa calciferol trong máu tương đương với 200pg/ml 1,25(OH)2D.
Nồng độ cao phải điều trị ít nhất một tháng.
Các chỉ số đáp ứng phải phù hợp, bởi vì sự khoáng hóa lại xương diễn ra vài tháng. Trong thời gian đó những thay đổi hấp thu canxi ở ruột không đi kèm với những thay đổi canxi của huyết thanh.
LOẠN DƯỠNG XƯƠNG DO THẬN
Các biểu hiện lâm sàng, xquang và giải phẫu bệnh lý loạn dưỡng xương do thận ở trẻ em là do biến chứng suy thận giai đoạn cuối. Bệnh xuất hiện khi độ thanh thải creatinine < 50ml/1,74m2/l phút.
Rối loạn khoáng hóa ở đầu xương là kín đáo do ngừng lớn và ngừng trưởng thành xương. Hậu quả của rối loạn chuyển hóa của suy thận. Tăng năng cận giáp trạng và tổn thương xơ xương luôn đi kèm với sự khoáng hóa thiếu hụt. Tổn thương xơ xương chủ yếu ở đốt sống mà nguyên nhân thì chưa rõ. Cường năng cận giáp thể hiện trên xquang là hình ảnh vỏ xương mỏng và vỏ xương không đều.
Do hậu quả loãng xương dưới vỏ xương, đặc biệt là ở đầu xương đùi và đầu trên xương chày. Các đốt ngón cuối đôi khi có thể biến mất do loãng xương. Sinh thiết xương có giá trị theo dõi loãng xương do thận. Bên cạnh tổn thương tổ chức học của rối loạn khoáng hóa có thể gặp tổn thương viêm xương xơ hóa do cường cận giáp trạng thứ phát. Các ổ tiêu xương cũng rất thường gặp. Tủy chứa tổ chức xơ ở các mức độ khác nhau.
Sinh bệnh học
Thiếu 1,25(OH)2D là yếu tố quan trọng. Nhưng cường cận giáp trạng thứ phát do rối loạn hấp thu canxi tại ruột và tăng phosphat máu. Cùng với rối loạn chuyển hóa của suy thận cũng góp phần vào tổn thương xương. Người ta đã lưu ý đến vai trò quan trọng của PO4 do giảm các đơn vị thận. Nó không những gây nên mà còn duy trì cường cận giáp trạng thứ phát và ức chế hoạt tính men 1 alpha hydroxylase của thận.
Trong thực tế, ngay cả khi suy thận giai đoạn cuối, có thể làm tăng nồng độ 1,25(OH)2D trong máu chỉ bằng cách giảm cung cấp PO4. Ngược lại, tăng PO4 trong thức ăn làm giảm nồng độ 1,25(OH)2D trong máu và tăng nồng độ PTH. Toan chuyển hóa thứ phát trong máu và nồng độ PTH. Toan chuyển hóa thứ phát trong thận cũng là vì yếu tố giảm khoáng hóa.
Vấn đề điều trị: cần điều trị phòng loạn dưỡng xương do thận trước khi có các tổn thương và xquang xảy ra. Đó là việc hạn chế hấp thu PO4 và cung cấp các chế phẩm 1 alpha hydroxyl của vitamin D. Đồng thời tích cực chống toan máu bằng natribicarbonat. Hydroxyt nhôm là một chất gắp phosphat rất hiệu quả nhưng có thể dẫn đến chứng giảm phosphat máu và ngộ độc nhôm.
Nhiễm toan tiên phát do thận
Có thể là rối loạn bài tiết in H+ của ống lượn xa (nhóm 1) và rối loạn hấp thu bicarbonate (nhóm 2). Trẻ có thể chậm phát triển về thể chất và tinh thần rất sớm kết hợp với các triệu chứng còi xương và đa niệu.
Về sinh hóa: Giảm dự trữ kiềm, giảm kali máu, giảm phosphat máu và tăng canxi niệu.
Bệnh sinh của còi xương trong nhiễm toan thứ phát do thận chưa rõ ràng. Có thể do nhiều yếu tố gây ra đó là: nhiễm toan làm rối loạn khoáng hóa và giảm phosphat máu thứ phát.
Việc điều trị trọng tâm là kiềm hóa máu sẽ kéo theo sự bình thường hóa phosphat, kali máu và canxi niệu.
Hội chứng De Toni Debré-Fanconi
Đây là hội chứng suy chức năng ống thận. Bệnh có thể không rõ nguyên nhân, bẩm sinh hoặc thứ phát sau một số bệnh chuyển hóa như trong bệnh Tyroxin, bệnh Wilson, bệnh không dung nạp frutose, ngộ độc chì, ngộ độc thuốc, hội chứng Lowe.
Các bất thường về sinh hóa rất đa dạng. Thường gặp nhất là rối loạn cô đặc nước tiểu và các phân tử khác qua nước tiểu. Giảm phosphat máu, nhiễm toan thận, giảm kali máu, tăng tiết glucose, phosphat, acid amin, bicarbonate, urat .
Biểu hiện lâm sàng là chậm lớn, cân nặng thấp, đa niệu và còi xương.
Giảm phopshat máu, nhiễm toan và thiếu 1,25(OH)2D là những yếu tố gây nên còi xương.
Điều trị phải tùy theo nguyên nhân. Tuy nhiên để điều trị còi xương phải bổ sung phosphat, dẫn chất 1 alpha hydroxyl của vitamin D và kiềm hóa máu.
CÒI XƯƠNG DO THIẾU CANXI
Còi xương do thiếu canxi là kết quả của tình trạng kém dinh dưỡng. Thiếu canxi kéo dài trầm trọng trong khi sự cung cấp protein và năng lượng vẫn bình thường. Bệnh hay gặp ở các nước châu Phi và một số vùng trên thế giới, trong đó ở cả một số nước công nghiệp.
Như vậy thiếu canxi đơn độc có thể gặp trong hai tình huống sau: chế độ ăn nghèo canxi (dưới 200mg/ngày) và có các chất gắp canxi trong thức ăn. Còi xương do thiếu canxi trong chế độ ăn có thể do hậu quả của các chế độ ăn không dùng sữa, lactat hoặc chế độ ăn kiêng. Các chất gắp canxi trong thức ăn chủ yếu là phytate.
Gần đây còi xương thiếu canxi còn gặp ở trẻ đẻ non có cân nặng rất thấp. Cơ chế bệnh sinh chính là cung cấp phosphat và canxi không đủ để đáp ứng với nhu cầu phát triển nhanh của những trẻ này. Bệnh cảnh lâm sàng giống như còi xương thiếu vitamin D. Bệnh có thể xảy ra ở thời kỳ nhũ nhi hoặc trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thương xảy ra muộn hơn so với còi xương thiếu vitamin D và thường ở tuổi 12-15 tháng.
Xét nghiệm sinh hóa
Canxi máu giảm, phosphat máu giảm và tăng phosphatase kiềm. Nồng độ 25-OH-D trong máu bình thường. Nồng độ 1,25(OH)2D và PTh huyết thanh tăng. Bài tiết canxi niệu giảm. Tái hấp thu phosphat ống thận bình thường. Bài tiết AMP vòng qua nước tiểu bình thường.
Hình ảnh xquang giống như còi xương thiếu vitamin D.
Điều trị: không cần bổ sung vitamin D. Chỉ cần đảm bảo chế độ ăn chứa 1000mg canxi và 80mg phosphat 1 ngày là đủ điều trị còi xương.
Cơ hế bệnh sinh của những triệu chứng lâm sàng và sinh hóa liên quan đến thiếu canxi trong chế độ ăn như sau:

CÒI XƯƠNG: HẬU QUẢ CỦA DÙNG THUỐC CHỐNG CO GIẬT
Còi xương và nhuyễn xương đã được thông báo ở những bệnh nhân động kinh có điều trị bằng thuốc chống co giật kéo dài. Hay gặp nhất là phenobarbital và phenytoin. Tuy nhiên, nồng độ 25-OH-D trong huyết thanh chỉ thấy giảm ở một số bệnh nhân chứ không phải ở tất cả bệnh nhân được điều trị bằng thuốc chống co giật kéo dài. Các thuốc chống co giật làm giảm chức năng hệ thống enzym oxydase của microsome gan. Và có thể gây tăng dị hóa và bài tiết các chất chuyển hóa của vitamin D.
Các thuốc chống co giật còn ức chế trực tiếp hấp thu canxi ở dạ dày, ruột và gây bài tiết calcitonin. Vì nồng độ 1,25(OH)2D bình thường hoặc tăng và chỉ có ở một tỷ lệ nhỏ trẻ em động kinh bị còi xương và nhuyễn xương. Cho nên các yếu tố môi trường khác nhau như hoạt động thể lực hạn chế. Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc thiếu canxi và vitamin D trong chế độ ăn có thể đóng một vai trò trong sự phát triển các rối loạn chuyển hóa xương và còi xương.
Điều trị và phòng bệnh còi xương này giống như trong còi xương thiếu vitamin D.
CÒI XƯƠNG DO GIẢM ENZYM PHOSPHATASE
Còi xương là một biểu hiện của sự thiếu hụt enzym phosphatase ở trẻ nhỏ và trẻ lớn. Bệnh di truyền lặn nhiễm sắc thể thường. Cũng có thể gặp di truyền trội nhiễm sắc thể thường. Cơ chế bệnh sinh chưa được rõ. Có thể do một thiếu hụt chung trong các tạo cốt bào hoặc các tế bào sản xuất ra phosphatase kiềm. Hoặc do thiếu hụt về chất lượng chính phân tử phosphatase kiềm.
Nguồn “Sách giáo khoa nhi khoa”!
Bác sĩ Hướng
Tuyệt vời