Tiêu chảy được định nghĩa là đi ngoài phân lỏng hoặc toé nước trên 2 lần trong 24 giờ. Người ta đã xác định 3 hội chứng lâm sàng khác nhau của tiêu chảy thể hiện 3 cơ chế bệnh sinh khác nhau.
Nguyên nhân tiêu chảy
Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy, trong đó chủ yếu là do nhiễm trùng đường tiêu hoá. Tuỳ theo tác nhân nhiễm trùng mà có các biểu hiện lâm sàng và điều trị khác nhau. Nguyên nhân thường gặp nhất là Rotavirus, Enterotoxigenic escherichia coli (ETEC), Enteropathogenic escherichia coli (EPEC), Shigella và Campylobacter jejuni. Ngoài ra còn có một số tác nhân ít gặp hơn. Các tác nhân đó gồm:
Virus: Norwalk, Adenovirus đường ruột.
Vi khuẩn: Aeromonas hydrophila, E. Coli bám dính (EAEC), E. Coli xâm nhập tế bào, E. Coli gây xuất huyết đường ruột Plesiomonas Shigelloides, V. Cholera không thuộc nhóm 1, Vibrio parahaemolyticus, Yersienia entero colitica.
Đơn bào: Giardia lambia, Entamoeba hystolitica, Isospora belli.
Tiêu chảy dẫn đến suy dinh dưỡng
Tiêu chảy là nguyên nhân rất quan trọng gây suy dinh dưỡng đặc biệt là tiêu chảy kéo dài. Khi mắc tiêu chảy nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể tăng lên. Số lượng thức ăn nạp vào và quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng đều bị giảm. Đồng thời, cơ cấu bữa ăn chưa hợp lý, chưa biết cách chế biến thức ăn phù hợp cho bệnh nhân tiêu chảy. Thậm chí đôi khi còn kiêng khem quá mức. Vì thế, mỗi đợt tiêu chảy có thể làm trẻ em bị sút cân hoặc chậm lên cân. Những người thường xuyên bị tiêu chảy cấp hay tiêu chảy kéo dài dễ bị suy dinh dưỡng hơn.
Hậu quả của tiêu chảy là rối loạn nước, điện giải; thiếu protein, năng lượng cũng như các chất dinh dưỡng khác. Thiếu vitamin đặc biệt là vitamin A. Tiêu chảy làm giảm hấp thu vitamin A và cơ thể lấy một lượng lớn vitamin A từ nguồn dự trữ. Làm giảm vitamin A dự trữ của cơ thể một cách nhanh chóng dẫn tới thiếu vitamin A cấp tính. Gây ra các triệu chứng của thiếu vitamin A.
Hậu quả của tiêu chảy do nhiều nguyên nhân
Do giảm lượng thức ăn đưa vào: Các chất dinh dưỡng đưa vào cơ thể giảm tới 30% hoặc hơn vì:
- Chán ăn.
- Nôn trớ.
- Nhịn ăn.
- Ăn những thức ăn ít có giá trị dinh dưỡng như cháo đường, cháo muối, nước cơm. Vì sợ ăn cơm hoặc cháo thịt sẽ làm tiêu chảy nặng hơn.
Do giảm hấp thu các chất dinh dưỡng: Ước tính sự hấp thu các chất dinh dưỡng giảm khoảng 30%. Quá trình hấp thu các chất mỡ và protein bị giảm nhiều hơn chất đường. Rối loạn hấp thu xảy ra nặng hơn ở bệnh nhân gầy còm bị tiêu chảy kéo dài do sự tổn thương trầm trọng ở niêm mạc ruột. Giảm sút quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng là do:
- Tổn thương các tế bào hấp thu ở niêm mạc ruột làm giảm diện tích hấp thu của ruột. Đặc biệt ruột non là đoạn có khả năng hấp thu mạnh nhất với diện tích tới 200 – 500m2.
- Thiếu các enzym Disaccharidase do rối loạn sản xuất men. Vì tổn thương các vi nhung mao ruột dẫn tới kém hấp thu các Disaccharide như Lactose.
- Giảm nồng độ muối mật trong ruột, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu mỡ.
- Nhu động ruột tăng nên thức ăn vận chuyển nhanh làm giảm thời gian tiêu hóa và hấp thu.
Tăng nhu cầu các chất dinh dưỡng: do tăng chuyển hóa khi bị sốt, nhu cầu phục hồi niêm mạc ruột bị tổn thương. Nhu cầu bù lại protein huyết thanh bị mất qua niêm mạc ruột bị tổn thương trong hội chứng lỵ.
Thiếu dinh dưỡng làm tăng nguy cơ tiêu chảy
Trẻ suy dinh dưỡng bị tiêu chảy cấp thường xảy ra nặng, kéo dài và thường xuyên hơn. Tiêu chảy kéo dài cũng thường gặp hơn và lỵ cũng xảy ra nặng hơn. Nguy cơ tử vong do tiêu chảy kéo dài hoặc lỵ tăng lên khi trẻ bị suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Do đó tăng nguy cơ bị các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó có nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
Suy dinh dưỡng làm tuyến tụy và các tuyến tiêu hoá ở niêm mạc ruột non bị teo đi. Dẫn tới giảm hệ thống men gây rối loạn nghiêm trọng quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng.
Tiêu chảy và suy dinh dưỡng phối hợp với nhau tạo thành một vòng xoắn bệnh lý. Nếu không phá vỡ được vòng xoắn này sẽ dẫn tới tử vong. Giai đoạn cuối có thể là một đợt tiêu chảy nặng hoặc một bệnh nhiễm trùng nặng như viêm phổi. Trong điều trị luôn phải chú ý hai khâu bồi phụ nước điện giải và phục hồi dinh dưỡng. Bồi phụ nước và điện giải diễn ra ngắn khi bệnh nhân bị rối loạn nước điện giải. Còn phục hồi dinh dưỡng phải làm tốt không những khi bị tiêu chảy mà còn phải duy trì lâu dài sau khi khỏi bệnh.
Lâm sàng tiêu chảy cấp tính
Xảy ra đột ngột, kéo dài không quá 14 ngày, phân lỏng tóe nước không có máu. Bệnh nhân thường có sốt và nôn kèm theo. Tiêu chảy cấp tính gây mất nước và tử vong xảy ra là do mất nước và điện giải. Thức ăn đưa vào giảm và rối loạn tiêu hóa, hấp thu cũng góp phần suy dinh dưỡng.
Tác nhân quan trọng gây tiêu chảy cấp ở các nước đang phát triển là Rotavirus, ETEC, Campylobater Jejuni, Cryptosporidia, V. Cholera 01, Salmonella và EPEC.
Tùy theo số lần và số lượng phân mà tình trạng mất nước và điện giải nặng hay nhẹ. Việc xác định mức độ mất nước là rất quan trọng để xác định các biện pháp phục hồi kịp thời.
Lâm sàng bệnh lỵ
Là khi tiêu chảy có kèm theo máu trong phân. Nguyên nhân hay gặp và quan trọng nhất của lỵ cấp là Shigella đặc biệt là S. Flexneri. Do Campylobater Jejuni, E. Coli xâm nhập niêm mạc ruột. Entamoeba Histolytica và Salmonella đều là những tác nhân ít gặp hơn.
Lỵ gây tử vong ở trẻ chiếm 15% tổng số các ca tử vong do tiêu chảy. Các thể lỵ thường gặp ở trẻ bị SDD hoặc không được bú sữa mẹ. So với tiêu chảy cấp thì lỵ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến tình trạng dinh dưỡng hơn. Đặc biệt ở trẻ vừa bị hoặc đang bị lên sởi thì tỷ lệ mắc bệnh và bệnh nặng tăng cao. Tiêu chảy bắt đầu bằng hội chứng lỵ thì nguy cơ thành tiêu chảy kéo dài cao hơn.
Chẩn đoán lỵ chủ yếu dựa vào tính chất của phân lẫn nhầy máu hoặc chỉ có nhầy máu mà không có phân. Điển hình là các trường hợp phân toàn nước màu hồng như nước rửa thịt. Một số bệnh nhân xuất hiện đi phân lỏng tóe nước trong 1 – 2 ngày rồi mới có phân máu. Ngoài ra, bệnh nhi còn có các triệu chứng như sốt, đau quặn bụng từng cơn, mót rặn. Tùy thể bệnh mà các dấu hiệu mất nước trên lâm sàng rõ hay không, nặng hay nhẹ.
Biến chứng chủ yếu của lỵ là sụt cân và tình trạng SDD nhanh chóng. Nguyên nhân của biến chứng này do chán ăn và cơ thể trẻ đòi hỏi thêm dinh dưỡng. Tử vong thường do tổn thương lan rộng từ hồi tràng xuống đại tràng, biến chứng nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng thứ phát hoặc SDD nặng.
Lâm sàng tiêu chảy kéo dài
Là bệnh tiêu chảy khởi đầu cấp tính nhưng kéo dài bất thường (ít nhất là 14 ngày).
Khởi đầu có thể là tiêu chảy phân lỏng hoặc hội chứng lỵ. Không có tác nhân vi sinh vật riêng biệt nào gây tiêu chảy kéo dài. E.coli bám dính, Shigella và Cryptosporidia có vai trò quan trọng hơn so với các tác nhân khác. Cần phân biệt tiêu chảy kéo dài với tiêu chảy mạn tính. Tiêu chảy kéo dài do các nguyên nhân không nhiễm khuẩn như mẫn cảm với Gluten hay rối loạn chuyển hóa di truyền.
Tiêu chảy kéo dài thường kèm theo sự thay đổi nặng nề của niêm mạc ruột, đặc biệt là sự teo đét của nhung mao ruột và sự giảm sản xuất enzym Disaccharidase. Những yếu tố này làm giảm hấp thu các chất dinh dưỡng và làm cho bệnh nhân tiêu chảy kéo dài ngay cả khi nguyên nhân nhiễm trùng đã bị loại bỏ.
Lâm sàng tiêu chảy kết hợp với các bệnh khác
Tiêu chảy phối hợp với sởi: tần số mắc bệnh tiêu chảy tăng lên trong quá trình trẻ bị lên sởi. 4 tuần lễ và có thể lên tới 6 tháng sau khi bị lên sởi. Tiêu chảy phối hợp với sởi thường nặng và kéo dài hơn bình thường, nguy cơ tử vong cũng cao hơn so với những trẻ tiêu chảy không liên quan tới sởi.
Viêm phổi và tiêu chảy:
Tiêu chảy mất nước nặng gây nên thở nhanh có thể chẩn đoán nhầm là viêm phổi. Tuy nhiên, trong viêm phổi tần số thở thường tương đương hoặc trên 40 l/phút, có biểu hiện co kéo cơ hô hấp.
Ở những trẻ mất nước nặng tình trạng thở nhanh sẽ được cải thiện nhanh chóng sau khi đã hồi phục nước và điện giải. Nếu tiêu chảy xuất hiện ở trẻ bị viêm phổi thì ngoài việc bồi phụ nước và điện giải cần phải cho trẻ dùng kháng sinh thích hợp
Sốt và tiêu chảy:
Sốt ở bệnh nhân tiêu chảy có thể là do tác nhân gây tiêu chảy như nhiễm Rotavirus hoặc các vi khuẩn xâm nhập ruột như Shigella, C. Jejuni hoặc Salmonella. Sốt ở bệnh nhân tiêu chảy cũng có thể là do mất nước và điện giải. Hoặc là một biểu hiện của các nhiễm trùng khác kèm theo như viêm phổi, viêm tai giữa, sốt rét. Vì vậy, bệnh nhi tiêu chảy có sốt cần được khám để phát hiện những nhiễm trùng khác và điều trị thích hợp.
Xét nghiệm
Đối với tất cả mọi bệnh nhân, điều quan trọng là phải xem phân có máu không.
Mẫu bệnh phẩm cần được lấy ở những phần có máu hoặc nhầy và nên xét nghiệm ngay. Trong trường hợp phải chuyển lên tuyến trên để xét nghiệm thì bệnh phẩm phải được bảo quản ở nhiệt độ 37°C.
Quan sát phân: nếu có máu chứng tỏ nhóm Shigella (thường có kèm theo sốt) hoặc E. Histolitica (thường không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ).
Xem phân dưới kính hiển vi có hồng cầu và bạch cầu đa nhân trung tính chứng tỏ nhiễm vi khuẩn xâm nhập như Shigella, có kén hoặc đơn bào Giardia hoặc E. Histolitica thể ăn hồng cầu gây bệnh, chứng tỏ đây là nguyên nhân gây bệnh.
Cấy phân và làm kháng sinh đồ: Phân lập vi khuẩn gây bệnh và xác định được kháng sinh nhạy cảm.
pH phân và các chất khử: pH phân dưới 5,5 và chất khác trong phân nhiều chứng tỏ kém hấp thu hơn với Carbohydrat. Tuy nhiên những kết quả này không có nghĩa là nguyên nhân của tiêu chảy.
Tuy nhiên, ở các tuyến y tế cơ sở, việc thực hiện đầy đủ các xét nghiệm ở trên là rất khó thực hiện, đặc biệt là cấy phân. Vì vậy việc quan sát phân kết hợp với các biểu hiện lâm sàng để phỏng đoán nguyên nhân gây bệnh là rất quan trọng. Hơn nữa, trong xử trí tiêu chảy thì vấn đề bồi phụ nước và điện giải luôn luôn được đặt ra trước tiên. Còn việc sử dụng kháng sinh chỉ đặt ra trong một số trường hợp hãn hữu như hội chứng lỵ.
Điều trị tiêu chảy tại nhà
Phác đồ này áp dụng cho các trường hợp mới bị tiêu chảy không đi khám ở các tuyến cơ sở y tế. Nhưng không có dấu hiệu mất nước hoặc có dấu hiệu mất nước nhưng đã được điều trị tại các cơ sở y tế.
Ba nguyên tắc cơ bản trong điều trị tại nhà:
- Cho uống nhiều dịch hơn bình thường để phòng mất nước. Đặc biệt là dung dịch oresol pha uống đổ thìa cho trẻ.
- Cho ăn nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng để phòng suy dinh dưỡng.
- Đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế nếu bệnh không đỡ hoặc có những dấu hiệu mất nước hoặc xuất hiện những bệnh nghiêm trọng khác.
- Bổ sung thêm lợi khuẩn tiêu hóa để hỗ trợ quá trình điều trị.
Kết hợp với tư vấn của y tế thôn bản.
Cho uống dịch nhiều hơn bình thường
Khi bị tiêu chảy, cần nhiều dịch hơn bình thường để bù lại lượng dịch đã mất qua phân và nôn, để phòng mất nước tốt nhất là cho uống đủ lượng dịch ngay khi bị tiêu chảy.
Cho bệnh nhân uống loại dịch nào:
Tốt nhất là sử dụng Oresol (ORS). Sử dụng ORS tại nhà, bạn cần đong đúng lượng nước để pha loãng bằng dụng cụ có sẵn ở nhà và cho trẻ uống từng thìa mỗi 1 – 2 phút.
Dung dịch muối đường: được sử dụng thay thế khi không có ORS. Tuy nhiên việc pha chế loại dung dịch này đòi hỏi phải đo lường chính xác lượng muối, đường, nước. Vì vậy, thường gặp khó khăn và pha sai do không nhớ kỹ số lượng mỗi loại mấy thìa và bình chứa tiêu chuẩn. Điều này dẫn tới nguy hiểm do nồng độ muối hoặc đường quá cao nên không an toàn. Vì lý do này mà nhiều nước đã không khuyến nghị dùng dung dịch muối đường nữa.
Các loại dịch pha chế từ thức ăn như súp, nước cháo, nước cơm. Các loại dịch này nên cho thêm muối để tăng hiệu quả điều trị (không quá 3g/1).
Nước mặc dù không cung cấp được muối và đường nhưng lại luôn được các chấp nhận cho trẻ uống với khối lượng lớn. Hơn nữa nước dễ hấp thu ở ruột. Nếu được cho uống với chế độ ăn có ngũ cốc nấu với muối thì nước cũng đủ điều trị cho đa số người bị tiêu chảy không có mất nước. Vì vậy, nước cũng được coi như một trong các dung dịch được khuyến nghị để điều trị tiêu chảy tại nhà.
Số lượng dịch cần uống và số lần uống
Nguyên tắc chung là cho uống nhiều dịch hơn bình thường theo nhu cầu và tiếp tục bù dịch trong những ngày tiếp theo cho đến khi hết tiêu chảy. Nên chú ý rằng trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi) không thể tự đòi uống nước. Vì vậy, cần chú ý trạng thái của trẻ như khó chịu, kích thích hoặc đưa nước cho trẻ uống để phát hiện trẻ có bị khát nước hay không. Nếu trẻ còn bú cần phải cho trẻ thoải mái về số lần bú và thời gian bú.
Số lượng dịch cần cho uống tại nhà sau mỗi lần đi ngoài:
- Trẻ dưới 2 tuổi: 50 – 100ml
- Trẻ từ 2 – 10 tuổi: 100 – 200ml
- Trẻ 10 tuổi trở lên và người lớn: uống theo nhu cầu.
Đối với trẻ dưới 2 tuổi cho uống bằng thìa, khoảng 1 – 2 phút cho uống 1 thìa, trẻ lớn hơn uống bằng cốc. Nếu trẻ nôn cần ngừng cho trẻ uống trong 10 phút sau đó lại tiếp tục cho uống nhưng uống chậm hơn. Quang trọng nhất là phải pha đúng hướng dẫn.
Cho ăn nhiều
Trong thời gian bị tiêu chảy cấp, mặc dù quá trình hấp thu thức ăn có giảm hơn bình thường. Nhưng lượng hấp thu qua ruột vẫn được khoảng 60%. Do đó, trong suốt quá trình này cần phải cung cấp đủ năng lượng. Không nên cho nhịn ăn, ăn kiêng khem làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng cũng như thiếu hụt các vi chất.
* Cho ăn những loại thức ăn nào?
Đối với trẻ < 6 tháng tuổi đang bú mẹ: cần tiếp tục cho bú sữa mẹ và tăng số bữa bú cho trẻ. Nếu trẻ không bú mẹ thì tiếp tục cho bé ăn sữa công thức đang sử dụng. Hoặc có thể lựa chọn sữa giảm hoặc không chứa đường Lactose.
Đối với trẻ > 6 tháng tuổi: ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức. Cần cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, ăn ít một, tăng dần, nhiều lần trong ngày tùy sự dung nạp của trẻ.
Nên chọn các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa… Và vẫn phải cho thêm dầu mỡ để đảm bảo năng lượng cho bữa ăn. Lưu ý, thức ăn cần được chế biến mềm, lỏng, có thể loãng hơn bình thường. Cho ăn sau khi chế biến để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm.
Những chỉ dẫn để lựa chọn thức ăn thích hợp
Dùng các loại thực phẩm sẵn có ở địa phương, phù hợp với tập quán, thói quen ăn uống của vùng, miền.
Các thực phẩm nên dùng khi bị tiêu chảy:
Nhóm tinh bột: gạo hoặc bột gạo, khoai tây.
Nhóm chất đạm: thịt, cá, trứng…
Sữa: đậu nành, sữa công thức phù hợp với lứa tuổi, sữa ít hoặc không chứa đường Lactose.
Dầu thực vật hoặc mỡ.
Rau và hoa quả chín: cà rốt, hồng xiêm, chuối, táo…
Chế biến dưới dạng mềm, lỏng, nấu chín kỹ.
Tăng năng lượng trong thức ăn chủ yếu bằng cách cho thêm 5 – 10 ml dầu thực vật hoặc mỡ trong 200ml thức ăn.
Cho ăn thêm hoa quả chín, nước hoa quả tươi, nước dừa tươi hoặc chuối chín nghiền để cung cấp Kali cho trẻ.
Tránh cho những thức ăn hoặc nước uống có nồng độ đường cao như nước giải khát, nước quả công nghiệp… Tránh dùng các thực phẩm nhiều xơ, ít chất dinh dưỡng gây khó tiêu hóa, hấp thu trong giai đoạn này.
Số lần và số lượng cho ăn
Cần phải cho ăn đầy đủ trong khi tiêu chảy. Nên cho ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, có thể tới 6 bữa/ngày.
Cho ăn ít và nhiều lần tốt hơn cho ăn nhiều nhưng ít lần.
Sau khi hết tiêu chảy, cho ăn thêm ít nhất một bữa mỗi ngày trong 2 tuần. Cho ăn thức ăn giàu năng lượng như đã cho ăn khi đang tiêu chảy. Bệnh nhân suy dinh dưỡng có thể cho ăn chế độ này cho tới khi hết suy dinh dưỡng.
Khẩu phần trẻ em tiêu chảy giai đoạn tiêu chảy mất nước
Nguyên tắc | Cơ cấu khẩu phần trung bình | Ký hiệu | |
Nhóm tuổi | Cơ cấu khẩu phần | ||
– Năng lượng và các chất dinh dưỡng: + Dưới 7 tuổi: 60 – 80 Kcal/kg/24 giờ, Protid chiếm 8 – 10% và Lipid chiếm 10% tổng năng lượng + Trẻ bú mẹ: tiếp tục cho bú mẹ ngày nhiều lần + Từ 7 – 15 tuổi: 40 – 60 Kcal/kg/24 giờ tùy theo tuổi – Dạng chế biến: từ lỏng đến đặc dần tuy thuộc vào lứa tuổi. – Lựa chọn thực phẩm: + Mềm, ít xơ sợi, dễ tiêu hóa, không sinh hơi, không gây dị ứng, hút độc, làm đặc phân. + Giảm các loại đường hấp thu nhanh. + Chứa ít hoặc không có đường Lactose. + Có nhiều kẽm, vitamin A hoặc beta caroten. + Kích thích sự phát triển và bổ sung vi khuẩn có ích cho đường ruột. – Số bữa ăn: 6 – 8 bữa/ngày. | < 6 tháng | E (Kcal): 620 P (g): 21 L (g): 36 – 40 G (g): 44 – 53 | 1TH1-X |
7 – 12 tháng | E (Kcal): 600 – 820 P (g): 23 L (g): 18 – 27 G (g): 120 – 140 | 2TH1-X | |
1 – 3 tuổi | E (Kcal): 900 – 1000 P (g): 20 – 25 L (g): 15 – 20 G (g): 150 – 180 | 3TH1-X | |
4 – 6 tuổi | E (Kcal): 1100 – 1300 P (g): 26 – 30 L (g): 15 – 20 G (g): 220-250 | 4TH1-X | |
7 – 9 tuổi | E (Kcal): 1400 – 1500 P (g): 30 – 40 L (g): 20 – 25 G (g): 260 – 300 | 5TH1-X | |
10 – 15 tuổi | E (Kcal): 1600 – 1800 P (g): 40 – 45 L (g): 25 – 30 G (g): 310 – 350 | 6TH1-X |
Khi nào đưa đến cơ sở y tế
Nhiều loại thuốc được bán để điều trị tiêu chảy cấp như những chất làm giảm nhu động ruột (Loperamid, Codein, Opium) các chất hấp thụ (than hoạt, Caolin, Actapulgite). Các thuốc chống nôn bao gồm cả Phenergan và Chlopromazine. Không một loại nào trong số những thuốc trên có lợi đối với bệnh nhân bị tiêu chảy cấp và thậm chí một số còn nguy hiểm cho trẻ em. Những thuốc này tuyệt đối không dùng cho trẻ dưới 5 tuổi cũng như không nên lạm dụng kháng sinh.
Kháng sinh chỉ có lợi cho kiết lỵ hoặc nghị bị tả. Việc dùng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống nôn, kháng sinh và các thuốc diệt đơn bào thường gây chậm trễ việc bù dịch bằng đường uống.
Bạn cần biết theo dõi tiêu chảy, mất nước đang nặng thêm hoặc những vấn đề nghiêm trọng khác để đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Các dấu hiệu cho biết tiêu chảy đang nặng hoặc mất nước đang tiến triển mà bạn có thể nhận ra là:
- Đi ngoài nhiều, phân toé nước.
- Nôn liên tục.
- Khát tăng lên.
- Ăn uống kém hơn bình thường.
Cần đưa đến cơ sở y tế nếu tiêu chảy không đỡ sau 3 ngày hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào đã mô tả ở trên hoặc có các dấu hiệu khác như: sốt, phân có máu.
Điều trị tiêu chảy mất nước
Tình trạng mất nước xảy ra khi muối và chất điện giải bị mất do tiêu chảy mà không được bù lại. Khi cơ thể bị mất muối thì những dấu hiệu và triệu chứng khác nhau sẽ xuất hiện. Dựa vào những dấu hiệu và triệu chứng này để đánh giá mức độ mất nước và có điều trị thích hợp. Có 3 loại mất nước, mỗi loại có phác đồ điều trị riêng:
Không có dấu hiệu mất nước: là mất một lượng dịch < 5% trọng lượng cơ thể và được điều trị tại nhà.
Mất nước nhẹ và trung bình: là mất một lượng dịch tương đương với 5 – 10% trọng lượng cơ thể.
Mất nước nặng: là mất một lượng dịch > 10% trọng lượng cơ thể.
Các loại mất nước nhẹ, trung bình và nặng đều cần được điều trị tại các cơ sở y tế.
Điều trị bệnh nhân mất nước nhẹ và trung bình
Bạn cần phải được bù dịch ngay lập tức bằng đường uống.
Ước tính số lượng dịch ORS để bù nước trong 4 giờ đầu:
Lượng dung dịch ORS cho uống trong 4 giờ đầu | ||||||
Tuổi | Dưới 4 tháng | 4 – 11th | 12 – 23th | 2 – 4 tuổi | 5 – 14 tuổi | 15 tuổi |
Cân nặng | Dưới 5kg | 5 – 7,9kg | 8 – 10,9kg | 11 – 15,9kg | 16 – 29,9kg | ≥ 30kg |
Lượng dịch (ml) | 200 – 400 | 400 – 600 | 600 – 800 | 800 – 1200 | 1200 – 2200 | 2200 – 4000 |
Số lượng dịch cần phải bù cho trẻ em tiêu chảy phụ thuộc cân nặng hoặc tuổi (nếu không cân được) của trẻ. Ngoài ra còn dựa vào tình trạng khát của bệnh nhân và các dấu hiệu mất nước khác. Vì vậy nếu trẻ còn muốn uống vẫn cho uống.
Tiếp tục cho bú mẹ và cho các dịch khác theo nhu cầu.
Kiểm tra lại việc điều trị và định kỳ đánh giá lại bệnh nhân cho đến khi trẻ được bù lại đủ lượng nước cần thiết.
Phát hiện những bệnh nhân không thể điều trị được bằng ORS để chọn phương pháp thích hợp hơn.
Điều trị bệnh nhân mất nước nặng
Có thể chết nhanh chóng do sốc giảm khối lượng tuần hoàn. Vì vậy cần phải được điều trị ngay bằng bù dịch theo nhiều đường.
Bù địch bằng đường tĩnh mạch
Đây là cách nhanh nhất để bù lại thể tích máu bị mất. Bù dịch bằng đường tĩnh mạch đặc biệt quan trọng khi có dấu hiệu sốc giảm khối lượng tuần hoàn. Vì vậy, chỉ sử dụng những cách bù dịch khác khi không thể truyền dịch tĩnh mạch hoặc không thể truyền ngay trong vòng 30 phút.
Dung dịch tốt nhất được chọn để truyền là Ringer lactac. Nếu không có loại dịch này có thể dùng dung dịch NaCI 0,9% để thay thế.
Trẻ nhỏ cần truyền 30 ml/kg trong giờ đầu, sau đó truyền 70 ml/kg trong 5 giờ sau, như vậy tổng dịch truyền 100 ml/kg trong 6 giờ. Đối với trẻ lớn cần truyền 30 ml/kg trong 30 phút, sau đó truyền 70 ml/kg trong 2,5 giờ sau, tổng số 100 ml/kg trong 3 giờ.
Sau khi truyền lần đầu 30 ml/kg mà mạch quay vẫn yếu và nhanh cần truyền lần thứ hai 30 ml/kg với tốc độ như lần đầu. Khi bệnh nhân uống được cần cho uống ngay dung dịch ORS với lượng nhỏ (5 ml/kg/giờ) để cung cấp thêm Kali, kiềm.
Bù dịch bằng ống thông dạ dày
Trong trường hợp không truyền tĩnh mạch được thì có thể đưa dung dịch ORS vào bằng ống thông dạ dày. Tuy nhiên cách này không tốt bằng truyền dịch tĩnh mạch vì không thể đưa dịch vào nhanh như truyền tĩnh mạch. Số lượng dịch tối đa có thể đưa vào qua ống thông dạ dày là khoảng 20 ml/kg/giờ, đưa vào với tốc độ nhanh hơn sẽ gây chướng bụng và nôn nhiều lần.
Trong khi bù dịch bằng ống thông cần đặt đầu bệnh nhân hơi cao để hạn chế nguy hiểm do dịch trào ngược vào phổi. Cứ 1 – 2 giờ cần đánh giá lại bệnh nhân cho đến khi quan sát thấy có đáp ứng tốt với điều trị. Nếu tình trạng bệnh nhân vẫn xấu đi sau 3 giờ bù dịch bằng ống thông dạ dày thì cần chuyển ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế, nơi có thể truyền dịch tĩnh mạch được.
Bù dịch bằng đường uống
Nếu không thể hoặc chưa truyền được dịch tĩnh mạch hay chưa dùng được ống thông dạ dày. Và bệnh nhân có thể uống được thì phải cho uống dung dịch ORS khoảng 20 ml/kg/giờ. Cách này có một số nhược điểm giồng như bù dịch bằng ống thông dạ dày. Hơn nữa không thể dùng được cho bệnh nhân quá li bì hoặc hôn mê. Trẻ dưới 2 tuổi cho uống dung dịch ORS 1 thìa/phút, trẻ lớn hơn và người lớn cho uống bằng cốc. Những bệnh nhân có chướng bụng thì không nên cho uống dung dịch ORS hoặc đưa dung dịch vào bằng ống thông dạ dày.
Cuối giai đoạn bù nước cần đánh giá lại tình trạng mất nước của bệnh nhân. Nếu những dấu hiệu mất nước nặng còn thì tiếp tục điều trị như trên. Nếu hết dấu hiệu mất nước nặng thì bù nước theo đường uống. Cho bệnh nhân uống dung dịch ORS, cho ăn và cho uống nước lọc. Đối với trẻ còn bú thì cần tiếp tục cho bú sữa mẹ ngay khi trẻ có thể bú được. Ngoài ra cần theo dõi ít nhất 6 giờ sau khi bù dịch trước khi cho về nhà để bảo đảm người mẹ có thể điều trị duy trì bằng ORS.
Điều trị bệnh nhân nghi tả
Trẻ trên hai tuổi và người lớn bị mất nước nặng do tiêu chảy tóe nước sống trong vùng có tả cần được điều trị kháng sinh thích hợp sau khi đỡ nôn. Kháng sinh thường dùng là Tetraciclin hoặc Doxycyclin hoặc Trimethoprim – sulfamethoxazole. Nếu vi khuẩn tả trong vùng kháng Tetraxyclin thì có thể dùng Furazolin hoặc Chloramphenicol. Điều trị tả bằng kháng sinh thích hợp sẽ làm giảm thời gian tiêu chảy.
Điều trị bệnh nhân có hội chứng lỵ trực khuẩn
Khi bệnh nhân có sốt và phân có nhầy máu. Việc điều trị sớm bằng kháng sinh thích hợp sẽ làm giảm thời gian bị bệnh, giảm nguy cơ các biến chứng nặng và tử vong. Tuy nhiên, việc điều trị chỉ có kết quả khi Shigella nhạy cảm với kháng sinh điều trị. Nếu điều trị muộn hoặc kháng sinh dùng không nhạy cảm với chủng Shigella. Vi khuẩn có thể gây tổn thương lan rộng ở ruột vào máu gây ra nhiễm khuẩn huyết, suy kiệt và đôi khi gây sốc nhiễm khuẩn.
Các đặc tính chủ yếu để một kháng sinh có thể được xem xét là lý tưởng trong điều trị lỵ trực khuẩn là:
Giá thuốc không đắt quá, phù hợp với thu nhập của người dân nơi thuốc được sử dụng.
Có dạng thuốc uống.
Phần lớn các chủng Shigella phân lập được tại vùng địa dư đó nhạy cảm với kháng sinh sử dụng.
Dùng được cho trẻ em với độ an toàn cao, ít tác dụng phụ.
Đã được xác định hiệu quả tác dụng của thuốc qua các thử nghiệm lâm sàng.
Do có độc tính cao nên các Fluoroquinolone chỉ được sử dụng trong lỵ trực khuẩn ở người lớn. Ở trẻ em, acid Nalidixic là thuốc được lựa chọn để điều trị ở vùng có kháng thuốc. Ngoài ra, các vi khuẩn khác như C. Jejuni và Salmolella có thể gây nên lỵ nhưng bệnh thường nhẹ và tự khỏi.
Điều trị bệnh nhân có hội chứng lỵ amip
Thường ít gặp ở trẻ nhỏ. Vì vậy, chỉ nên điều trị như lỵ amip khi trẻ bị lỵ nhưng không có sốt, điều trị bằng kháng sinh được biết là có sự nhạy cảm với Shigella nhưng không đỡ. Hoặc tìm thấy ký sinh trùng E.Histoltica thể Magna trong phân. Thuốc được lựa chọn để điều trị lỵ amip là Metronidazole. Nếu đúng là lỵ amip thường có biến chuyển rõ rệt trong 2 – 3 ngày điều trị. Ngoài việc sử dụng kháng sinh vẫn phải chú trọng đến vấn đề bù nước và điện giải. Có chế độ nuôi dưỡng tốt để ngăn ngừa hoặc giảm tới mức tối thiểu sự tổn hại về mặt dinh dưỡng.
Ngoài ra, tiêu chảy còn có thể phối hợp với một số bệnh khác như sởi, viêm phổi, thiếu vitamin A. Cho nên cần phải điều trị kết hợp các bệnh kèm theo.
Chế độ dinh dưỡng
Nuôi dưỡng đúng là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị đối với bệnh nhân mắc tiêu chảy đặc biệt là tiêu chảy kéo dài.
Giai đoạn tiêu chảy cấp
Duy trì bú mẹ hoặc sữa công thức phù hợp với lứa tuổi. Dùng sữa giảm hoặc không chứa đường Lactose.
Cung cấp đầy đủ năng lượng protein, vitamin và muối khoáng cho cơ thể. Nhằm nhanh chóng phục hồi những tổn thương ở niêm mạc ruột và cải thiện tình trạng dinh dưỡng.
Tránh cho ăn hoặc uống những thức ăn, nước uống làm tiêu chảy nặng thêm.
Giai đoạn phục hồi
Khi tiêu chảy đã ngừng, tiếp tục cung cấp đầy đủ thức ăn trong thời kỳ hồi phục. Trẻ em còn bú cần được tiếp tục cho bú. Nếu cho trẻ đang sử dụng sữa công thức thì tiếp tục duy trì hoặc thay dần sữa không chứa đường Lactose về dùng sữa công thức thông thường. Sử dụng thêm từ sữa đã được lên men như sữa chua.
Đảm bảo cung cấp năng lượng theo nhu cầu khuyến nghị bằng cách chế biến các món ăn đủ các nhóm thực phẩm. Tránh những thức ăn loãng chứa năng lượng thấp và có khối lượng lớn. Hạn chế những thức ăn làm tăng nồng độ thẩm thấu. Như các loại nước giải khát hoặc nước hoa quả sản xuất công nghiệp, thức ăn, nước uống quá ngọt. Những thức ăn này có thể làm tiêu chảy trở lại. Nên cho ăn làm nhiều bữa nhỏ, có thể tới 6 bữa/ngày. Cung cấp thêm các loại vitamin, muối khoáng đặc biệt là Vitamin nhóm B, vitamin A, kẽm và sắt.
Tăng thêm mỗi ngày một bữa ăn trong thời gian ít nhất là một tháng. Nếu trẻ bị SDD thì cần tiếp tục duy trì tới khi cân nặng và chiều cao hồi phục.
Nguyên tắc xây dựng khẩu phần trẻ tiêu chảy giai đoạn phục hồi
Nguyên tắc | Cơ cấu khẩu phần trung bình | Ký hiệu | |
– Đảm bảo nhu cầu các chất dinh dưỡng theo lứa tuổi. – Dạng chế biến: lỏng đến đặc dần tuỳ thuộc vào lứa tuổi. – Lựa chọn thực phẩm: + Mềm, ít xơ sợi, dễ tiêu hoá, không sinh hơi, không gây dị ứng, hút độc, làm đặc phân. + Giảm lượng protid từ sữa bò, nên sử dụng protid từ đậu nành hoặc protid đã thủy phân. + Giảm các loại đường hấp thu nhanh. + Chứa ít hoặc không có đường Lactose. + Có nhiều kẽm, vitamin A hoặc beta caroten + Kích thích sự phát triển và bổ sung vi khuẩn có ích cho đường ruột. – Số bữa ăn: 6 – 8 bữa/ngày (tuỳ theo lứa tuổi). | Nhóm tuổi | Cơ cấu khẩu phần | |
< 6 tháng | E (Kcal): 620 P (g): 21 L (g): 36 – 40 G (g): 44 – 53 | 1TH2-X | |
7 – 12 tháng | E (Kcal): 820 P (g): 23 L (g): 18 – 27 G (g): 120 – 140 | 2TH2-X | |
1 – 3 tuổi | E (Kcal): 1100 – 1200 P (g): 28 L(g): 20 – 25 G (g): 200 – 250 | 3 TH2-X | |
4 – 6 tuổi | E (Kcal): 1400 – 1500 P (g): 36 L (g): 25 – 30 G (g): 250 – 280 | 4TH2-X | |
7 – 9 tuổi | E (Kcal): 1700 – 1800 P (g): 40 L (g): 25 – 30 G (g): 280 – 320 | 5TH2-X | |
10-15 tuổi | E (Kcal):1900 – 2000 P (g): 50 – 60 L (g): 30 – 40 G (g): 350 – 380 | 6TH2-X |
Thực phẩm nên sử dụng khi trẻ bị tiêu chảy
Gạo: có ít chất xơ nên dễ tiêu hóa và hấp thu.
Thịt gà: là nguồn dinh dưỡng rất tốt cung cấp protein và các dưỡng chất quan trọng khác.
Chuối: dễ tiêu hóa và hấp thu. Hàm lượng Kali cao giúp cho việc bổ sung Kali bị mất đi trong tiêu chảy. Chuối cũng giàu Pectin và Inulin là chất xơ hòa tan giúp cho việc hấp thu dịch trong lòng ruột.
Táo: là nguồn thực phẩm dồi dào cung cấp Pectin. Tuy nhiên, chất xơ của táo rất khó để cho ruột hấp thu. Khi táo được đun chín thì dễ được hấp thu hơn. Nước táo chín rất tốt cho việc hấp thu cũng như cung cấp Pectin và các chất dinh dưỡng khác.
Sữa chua: nhìn chung trong giai đoạn tiêu chảy, các sản phẩm từ sữa nên hạn chế. Tuy nhiên sữa chua có nhiều Lactobacillus acidophilus và Bifidobacterium bifidum. Chúng là probiotic giúp cho sự cân bằng của hệ vi khuẩn chí đường ruột.
Thực phẩm không nên sử dụng khi trẻ bị tiêu chảy
Sản phẩm có nhiều đường đơn như nước ngọt kẹo bánh.
Sản phẩm từ sữa: các sản phẩm từ sữa nên hạn chế trong giai đoạn này. Vì dù sao trong tiêu chảy thì một lượng enzyme Lactase cũng bị mất. Những thực phẩm này là: bơ, phomat, kem, sữa.
Các thực phẩm sinh hơi: đậu đỗ, cải bắp, súp lơ, hành, cải xanh.
Thức ăn nhiều chất béo: dễ gây tình trạng tăng co bóp của ruột.
Đồ ăn nhanh.
Thực đơn đối với trẻ từ 7 – 12 tháng tuổi
Giờ | Ngày thứ 1 | Ngày thứ 2 | Ngày thứ 3+4 |
6h | Bú mẹ | Bú mẹ | Bú mẹ |
9h | – Bột thịt gà + cà rốt + Bột gạo: 15g + Thịt gà 25g + Cà rốt nghiền 15g + Dầu ăn 2ml – Hồng xiêm nghiền ½ quả | – Bột thịt gà + cà rốt + Bột gạo: 15g + Thịt gà 25g + Cà rốt nghiền 15g – Táo nghiền ½ quả | – Bột thịt gà + cà rốt + Bột gạo: 15g + Thịt gà nạc 30g + Cà rốt nghiền 15g – Dầu ăn 2ml |
12h | Bú mẹ | Bú mẹ | Bú mẹ |
14h | – Bột thịt lợn + cà rốt + Bột gạo 15g + Thịt nạc thăn 25g + Cà rốt nghiền 15g + Dầu ăn 2ml – Chuối chín ½ quả | – Bột thịt lợn + cà rốt + Bột gạo 15g + Thịt nạc thăn 25g + Cà rốt nghiền 15g + Dầu ăn 2ml – Chuối chín ½ quả | Bột thịt nạc + cà rốt + Bột gạo 15g + Thịt nạc 30g + Cà rốt nghiền 15g + Dầu ăn 2ml + Nước giá đỗ 15ml (20g giá đỗ) – Hồng xiêm ½ quả |
16h | Bú mẹ | Bú mẹ | Bú mẹ |
18h | – Bột thịt gà + cà rốt + Bột gạo 15g + Thịt gà 25g + Cà rốt nghiền 15g + Dầu ăn 2ml – Hồng xiêm nghiền ½ quả | – Bột thịt gà + cà rốt + Bột gạo 15g + Thịt gà 25g + Cà rốt nghiền 15g + Dầu ăn 2ml – Táo nghiền ½ quả | – Bột thịt gà + cà rốt + Bột gạo 15g + Thịt gà 30g + Cà rốt nghiền 15g + Dầu ăn ½ thìa + Giá đỗ 20g (xay nhỏ lọc lấy 150ml nước nấu bột). – Hồng xiêm nghiền ½ quả |
Từ 21h đến sáng hôm sau | Bú mẹ | Bú mẹ | Bú mẹ |
Thực đơn đối với trẻ từ trên 12 tháng tuổi
Giờ | Ngày thứ 1 + 2 | Ngày thứ 3 + 4 |
6h | Bú mẹ hoặc ăn sữa bò pha loãng ½ với nước cháo + cà rốt 200ml hoặc sữa đậu tương 200ml | Bú mẹ hoặc ăn với sữa bò pha loãng ½ với nước cháo + cà rốt 200ml hoặc sữa đậu tương 200ml |
9h | Cháo thịt gà + cà rốt: Gạo 30g + Thịt gà 30g, Cà rốt 50g + Dầu ăn 1 thìa (5g), Giá đỗ 20g Giã hoặc xay lọc lấy nước cháo | Cháo thịt lợn nạc + cà rốt: Gạo 30g + Thịt nạc 30g + Cà rốt 30g + Dầu ăn 5g + Giá đỗ 20g |
11h | Bú mẹ hoặc sữa pha với nước cháo cà rốt Chuối tiêu nghiền 1 quả | Bú mẹ hoặc sữa pha với nước cháo cà rốt Hồng xiêm nghiền 1 quả |
13h | Cháo thịt gà + cà rốt: Gạo 30g + Thịt gà 30g + Dầu ăn 1 thìa + Cà rốt 30g + Giá đỗ 20g + Giã/xay lọc lấy nước cháo | – Cháo thịt lợn nạc + cà rốt: Gạo 30g + Thịt nạc 30g + Cà rốt 30g + Dầu ăn 5g + Giá đỗ 20g + Giã/xay lọc lấy nước cháo |
15h | Sữa bò hoặc sữa đậu tương: 200ml Táo nghiền 1 quả | Sữa bò hoặc sữa đậu tương: 200ml Chuối tiêu 1 quả |
17h | Cháo thịt nạc + cà rốt: Gạo 30g + Thịt nạc 30g, cà rốt 30g + Dầu ăn 5g + Giá đỗ 20g | Cháo thịt gà + cà rốt: Gạo 30g + Thịt gà 30g, Cà rốt 50g + Dầu ăn 1 thìa + Giá đỗ 20g giã hoặc xay lọc lấy nước cháo |
20h | Bú mẹ hoặc ăn sữa bò pha loãng ½ với nước cháo + cà rốt 200ml hoặc sữa đậu tương 200ml | Bú mẹ hoặc ăn với sữa bò pha loãng ½ với nước cháo + cà rốt 200ml hoặc sữa đậu tương 200ml |
Bác Sĩ Hướng