Thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng Hemoglobin (Hb) trong máu xuống thấp hơn bình thường. Do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng nào đó trong quá trình tạo máu bất kể lý do gì.

Thiếu sắt là tình trạng thiếu hụt dự trữ sắt trong cơ thể. Có thể biểu hiện thiếu máu hoặc chưa có biểu hiện thiếu máu. Thiếu sắt thường do thiếu sắt có giá trị sinh học cao cung cấp từ khẩu phần. Hoặc do tăng nhu cầu sắt trong giai đoạn cơ thể phát triển nhanh (thời kỳ có thai, trẻ em). Hoặc do bị chảy máu đường tiêu hóa (giun móc) hay đường tiết niệu…

Sắt có vai trò quan trọng trong tổng hợp huyết sắc tố. Thiếu hụt sắt sẽ ảnh hưởng đến tổng hợp huyết sắc tố và gây nên thiếu máu thiếu sắt. Thiếu máu do thiếu sắt có thể kết hợp với thiếu folat, thiếu vitamin B12. Hoặc thiếu một số vi chất dinh dưỡng khác như vitamin A, Selen, đồng…

Theo đó, có thể đánh giá tình trạng thiếu máu trên cộng đồng dựa vào tỷ lệ thiếu máu:

Bảng 1: Ngưỡng ý nghĩa sức khỏe cộng đồng dựa vào tỷ lệ thiếu máu

Mức YNSKCĐTỷ lệ thiếu máu (%)
Nặng≥ 40
Trung bình20,0 – 39,9
Nhẹ5 – 19,9
Bình thường≤ 4,9

Tại Việt Nam, thiếu máu vẫn là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng hàng đầu. Và được xếp ở mức ý nghĩa sức khỏe cộng đồng trung bình theo phân loại của WHO. Các điều tra dịch tễ học ở Việt Nam từ những năm 1995 đến nay. Cho thấy thiếu máu phổ biến ở tất cả các vùng trong cả nước. Tỷ lệ thiếu máu cao ở cả phụ nữ có thai và không có thai. Trẻ em cũng nằm trong nhóm thiếu máu với tỉ lệ cao, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi.

Kết quả điều tra tình trạng thiếu máu tại 55 tỉnh thành của Việt Nam năm 2008-2009 cho thấy. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 28,5%, ở phụ nữ mang thai là 36,5%. Tỷ lệ này đặc biệt cao tại các vùng núi phía Bắc (56,7% và 57,6%), Nam miền Trung (31,7% và 56,7%), vùng núi Đông Bắc (31,9% và 39,5%). Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 29,2%. Đặc biệt có tới 45% trẻ em dưới 2 tuổi bị thiếu máu. Tỷ lệ thiếu máu đã giảm đi đáng kể so với kết quả của các cuộc điều tra trước đây. Tuy nhiên, thiếu máu vẫn là vấn đề phổ biến, tác động xấu tới sức khỏe và nền kinh tế xã hội.

Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu. Do cung cấp thiếu sắt, khẩu phần ăn thiếu sắt hoặc sắt có giá trị sinh học thấp. Do nhu cầu sắt cao ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, đặc biệt khi có thai và cho con bú. Do nhiễm ký sinh trùng đường ruột, đặc biệt là giun móc. Do cơ thể kém hấp thu sắt trong các bệnh về đường tiêu hóa, do  tình trạng sức khỏe…. Nhiều nguyên nhân gây thiếu máu có thể cùng tồn tại trên một cá thể, góp phần gây nên tình trạng thiếu máu trầm trọng hơn. Thiếu máu dinh dưỡng là vấn đề phổ biến nhất và cần các biện pháp can thiệp về sức khỏe cộng đồng.

Thiếu máu dinh dưỡng phổ biến nhất là thiếu máu thiếu sắt. Hay gặp nhất ở phụ nữ có thai, trẻ nhỏ và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Thiếu các chất dinh dưỡng khác như thiếu protein, folat, vitamin B12, riboflavin  cũng ảnh hưởng đến sự hình thành của hemoglobin. Thiếu một số các vi chất khác như thiếu vitamin A, Selen cũng liên quan đến thiếu máu.

Tình trạng thiếu máu dinh dưỡng bị chi phối bởi một số yếu tố. Như tình trạng sinh lý (tuổi, giới, tình trạng thai sản). Tình trạng bệnh lý (nhiễm ký sinh trùng), điều kiện môi trường và xã hội (hoàn cảnh kinh tế, khẩu phần ăn, trình độ học vấn…).

Phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ có nguy cơ bị thiếu máu do hàng tháng bị mất máu qua kinh nguyệt. Phụ nữ có thai tuy không mất máu hàng tháng qua kỳ kinh. Nhưng nhu cầu sắt tăng cao do sự phát triển của thai nhi và tăng thể tích máu cho người mẹ. Những bà mẹ nuôi con bú cũng cần thêm một lượng sắt để tiết sữa. Trẻ nhỏ từ 6 – 12 tháng, nhu cầu về sắt rất cao khi tính tương đối với trọng lượng cơ thể và nhu cầu năng lượng.

Yếu tố kinh tế văn hóa – xã hội: tỷ lệ thiếu máu cao hơn ở những người nghèo, những người sống ở vùng kinh tế khó khăn (vùng nông thôn hay miền núi). Trình độ học vấn của người mẹ cũng có liên quan đến tình trạng thiếu máu. Những phụ nữ tuổi sinh đẻ có 3 con trở lên. Hoặc có khoảng cách giữa hai lần mang thai dưới 24 tháng có liên quan chặt chẽ đến tình trạng thiếu máu.

Các bệnh nhiễm ký sinh trùng là một trong những tác hại của ký sinh trùng đường ruột. Đặc biệt là giun móc gây ra là chảy máu mãn tính gây thiếu máu thiếu sắt. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, có thai và trẻ em là những đối tượng có nhu cầu cao về sắt. Cũng là những đối tượng có nguy cơ nhiễm giun cao.

Sốt rét là bệnh vẫn còn phổ biến ở nhiều tỉnh của Việt Nam, nhất là vùng núi, vùng sâu. Nhiễm  ký sinh trùng sốt rét là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng thiếu máu.

Giá trị dinh dưỡng trong khẩu phần ăn nghèo chất sắt, có giá trị sinh học thấp, ít đạm động vật làm tăng nguy cơ thiếu máu.

Giảm khả năng lao động

Người bị thiếu máu thường dễ mệt mỏi, khả năng lao động giảm, năng suất lao động thấp. Năng suất lao động của những người thiếu máu thấp hơn hẳn người bình thường. Tình trạng này cũng xảy ra ngay cả khi có thiếu sắt nhưng chưa có biểu hiện thiếu máu.

Ảnh hưởng tới năng lực trí tuệ

Khi thiếu máu thường có biểu hiện mất ngủ, mệt mỏi, kém tập trung, dễ bị kích thích. Thiếu máu làm cho trẻ em kém phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Kết quả học tập thấp hơn hẳn và chỉ khắc phục sau khi các em được uống viên sắt. Thiếu sắt còn ảnh hưởng tới sự phát triển hành vi của trẻ em.

Ảnh hưởng tới thai sản

Phụ nữ có thai bị thiếu máu hay bị tai biến khi đẻ, đẻ non, đẻ con nhỏ yếu, dễ bị băng huyết gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của mẹ và con. Vì vậy, người ta coi thiếu máu dinh dưỡng trong thời kỳ thai nghén là một đe dọa sản khoa.

Giảm sức đề kháng cơ thể

Thiếu máu thiếu sắt làm giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể tạo điều kiện cho các bệnh nhiễm khuẩn và một số bệnh khác tấn công.

Giảm phát triển thể lực

Bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu làm tăng tốc độ phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ.

Đặc biệt là khi có thai, phụ nữ sau khi sinh, cho con bú.

 Phụ nữ tuổi sinh đẻ thường bị mất máu trong thời kỳ hành kinh, thiếu máu nặng nếu thời gian thấy kinh kéo dài.

Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ phải cung cấp sắt cho quá trình lớn lên và dự trữ của thai nhi. Ngay cả khi phụ nữ dự trữ sắt của họ thấp, hoặc thiếu máu, thai nhi vẫn lấy sắt để phát triển và dự trữ.

Khi khoảng cách giữa các lần sinh ngắn, người mẹ không có thời gian để lấy sắt từ thức ăn bù lại cho lượng sắt đã mất đi ở lần sinh trước. Đồng thời quá trình tạo hồng cầu trong thời kỳ mang thai cũng đòi hỏi nhanh hơn bình thường.

Trẻ có cân nặng sơ sinh thấp sẽ có lượng sắt trong cơ thể thấp. Nhất là trẻ đẻ non không có đủ thời gian để cho cơ thể dự trữ sắt trước khi sinh. Trẻ có biểu hiện của thiếu sắt sau khi sinh từ 2 đến 3 tháng tuổi.

Những trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ. Sắt từ thức ăn nuôi trẻ thay sữa mẹ không được hấp thu tốt. Nuôi trẻ bằng sữa động vật có thể đã được tăng cường sắt nhưng vẫn có thể thiếu máu sau 4 tháng tuổi.

Trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi, những thức ăn chính gồm những loại khó tiêu và khó hấp thu sắt. Mặt khác trẻ ở lứa tuổi này, thường mắc những bệnh nhiễm trùng cản trở đến việc đảm bảo nhu cầu sắt. Đồng thời, cơ thể phải sử dụng nhiều sắt dự trữ.

Ở những trẻ lớn hơn thì nhu cầu sắt theo cân nặng giảm xuống, chúng có ít nguy cơ bị thiếu máu. Trẻ bị thiếu máu khi bị mắc bệnh ký sinh trùng như: sán, giun móc. Trẻ em ở tuổi vị thành niên, nhất là trẻ em gái trước tuổi dậy thì, cũng như bắt đầu có kinh nguyệt. Và cơ thể phải dự trữ sắt cho thời kỳ mang thai và cho con bú sau này.

Vùng nông thôn hay miền núi, khu công nghiệp, vùng không triển khai chương trình phòng chống thiếu máu.

Biểu hiện lâm sàng của thiếu máu nói chung thường rất nghèo nàn, lặng lẽ phụ thuộc vào mức độ của bệnh. Thiếu máu thiếu sắt nhẹ hoặc vừa thường không có biểu hiện lâm sàng. Chính vì vậy mà thiếu máu thiếu sắt thực sự là một bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng tiềm ẩn. Người bị thiếu máu có thể không tự nhận ra mình có bệnh. Điều đó cho thấy sự khó khăn trong phòng chống bệnh này ở cộng đồng.

Biểu hiện của thiếu máu nhẹ là mệt mỏi, buồn ngủ, kém tập trung. Đối với trẻ em, biểu hiện của thiếu máu là ít hoạt động, biếng ăn, tăng cân chậm, nhận thức chậm. Trí nhớ kém, trong lớp hay ngủ gật, giảm thành tích học tập ở trẻ em tuổi học đường. Khi bị thiếu máu nặng có thể xuất hiện các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau đầu, khó thở khi lao động gắng sức, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Khám: da xanh, niêm mạc nhợt (niêm mạc mắt, lợi), móng tay khum hình thìa. Đầu lưỡi có một đám những hạt sắc tố đỏ sẫm, lòng bàn tay nhợt nhạt. Nhịp thở nhanh, mạch nhanh, tim có tiếng thổi tâm thu. Các triệu chứng trên thường xuất hiện ở những người thiếu máu rất nặng hoặc đã kéo dài.

Hỏi tiền sử nhiễm khuẩn đường ruột, chảy máu dạ dày. Các bệnh về máu (đặc biệt là các bệnh tan máu) cũng rất quan trọng trong chẩn đoán thiếu máu.

Xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán thiếu máu dinh dưỡng là định lượng huyết sắc tố (Hemoglobin). Và dựa vào ngưỡng của tổ chức y tế thế giới để chẩn đoán thiếu máu.

Trong các điều tra sàng lọc ở cộng đồng: các xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán thiếu máu là định lượng nồng độ Hemoglobin và Hematocrit. Thiếu máu là sự thiếu hụt lượng Hemoglobin trong hệ tuần hoàn. Do vậy, nếu cho rằng thiếu máu được thể hiện thông qua sự thiếu hụt về số lượng hồng cầu là không đầy đủ.

Theo Định nghĩa của tổ chức y tế thế giới (WHO)

Thiếu máu xảy ra khi lượng huyết sắc tố lưu hành của một cá thể thấp hơn lượng huyết sắc tố của một người khỏe mạnh cùng giới, cùng tuổi và sống trong cùng một điều kiện môi trường.

Hàm lượng Hemoglobin thay đổi theo tuổi, giới, tình trạng sinh lý, độ cao so với mặt nước biển, nhưng ít khác nhau theo chủng tộc:

Bảng 2: Nồng độ hemoglobin và hematocrit của các nhóm đối tượng

 Hb (g/l)Hematocrit (%)
Nam giới
Bình thường130 – 160> 44
Thiếu máu< 130< 38
Nữ giới
Bình thường120 – 160> 33
Thiếu máu< 120< 32
Phụ nữ có thai
Thiếu máu< 110< 31
Trẻ em thiếu máu
Từ 6 – 59 tháng< 110< 33
Từ 5 – 11 tuổi< 115< 34
Từ 12 – 14 tuổi< 120< 36

Đánh giá mức độ thiếu máu của cá thể dựa vào hàm lượng hemoglobin:

Bảng 3: Xác định mức độ thiếu máu dựa vào hàm lượng hemoglobin (Hb)

Mức độ thiếu máuHàm lượng Hb (g/l)
Nặng< 70
Trung bình100 > Hb ≥ 70
Nhẹ120 > Hb ≥ 100

Lưu ý là dấu hiệu da xanh, nhợt nhạt ở lưỡi và môi chỉ xuất hiện khi hàm lượng Hb < 100g/l. Nghĩa là chỉ khi thiếu máu trung bình và nặng.

Định lượng Hb là xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán thiếu máu. Tuy nhiên, xét nghiệm Hb chỉ chẩn đoán tình trạng thiếu máu. Để phân biệt thiếu máu do thiếu sắt hay folat, vitamin B12… người ta còn xét nghiệm đánh giá các chỉ số hồng cầu. Các chỉ số đó là nồng độ huyết sắc tố trung bình ở hồng cầu, lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu, thể tích trung bình hồng cầu giảm.

Vai trò của sắt trong thiếu máu

Thiếu máu dinh dưỡng thường gặp nhất là thiếu máu do thiếu sắt, có thể kết hợp với thiếu folat nhất là trong thời kỳ có thai. Vì vậy, trong dinh dưỡng hay dùng thuật ngữ “thiếu máu”, “thiếu sắt”, hoặc “thiếu máu do thiếu sắt”. Đáng chú ý, có nhiều đối tượng tuy chưa có biểu hiện thiếu máu song tình trạng thiếu hụt dự trữ sắt có thể đã tồn tại. Thiếu máu là giai đoạn cuối cùng của tình trạng thiếu sắt. Hàm lượng Hemoglobin trong máu thấp biểu hiện tình trạng thiếu máu ngoại vi.

Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt được xác định khi có cả thiếu máu và thiếu sắt. Và được xác định bằng cách đo nồng độ Ferritin hoặc một số chỉ số khác về tình trạng thiếu sắt. Chẩn đoán thiếu sắt trong giai đoạn sớm dựa vào các xét nghiệm Ferritin huyết thanh, transferin receptor huyết thanh, mức bão hòa transferin, protoporphyrin trong hồng cầu, khả năng gắn sát toàn phần (Total Iron Binding Capacity – TIBC). Ngoài ra, còn một số phương pháp như định lượng sắt huyết thanh để đánh giá sự đáp ứng sắt trong quá trình tổng hợp hemoglobin.

 Cần làm cho người dân thấy được và quan tâm tới thiếu máu dinh dưỡng. Giáo dục và phổ biến cho mọi gia đình về phương pháp đa dạng hóa bữa ăn. Chế độ ăn cần cung cấp đầy đủ năng lượng và các thực phẩm giàu sắt. Nó làm tăng khả năng hấp thụ sắt nhờ tăng cường Vitamin C có từ rau củ.

Chất sắt có nhiều trong các loại thịt có màu đỏ như thịt bò, thịt lợn, cá ngừ… Thịt có màu trắng như thịt gia cầm có ít sắt hơn. Chất sắt có nhiều ở gan, tiết hoặc rau xanh như rau dền, rau ngót và các loại đậu hạt. Sắt từ thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ dễ hấp thu hơn nguồn gốc thực vật.

Hướng dẫn và khuyến khích các cách chế biến như nảy mầm, lên men (giá đỗ, dưa chua…). Vì các quá trình này làm tăng lượng vitamin C. Đồng thời giảm lượng Tannin và axit Phytic trong thực phẩm. Các loại đồ uống như chè, cafe, canxi nên uống cách xa bữa ăn. Các chất này ức chế sự hấp thu của sắt.

Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý là biện pháp tốt nhất phòng chống thiếu máu ở trẻ nhỏ. Tư vấn và hỗ trợ cho bà mẹ cho con bú trong vòng nửa giờ đầu sau khi sinh. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi và tiếp tục cho bú tới 24 tháng tuổi. Khuyến khích các bà mẹ sử dụng các thực phẩm giàu sắt như gan, thịt đỏ, rau dền, rau ngót… Để chuẩn bị thức ăn cho trẻ khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung.

Bằng cách điều chỉnh, cải thiện, đa dạng hóa bữa ăn. Con người có thể cải thiện tình trạng dinh dưỡng nói chung cũng như tình trạng thiếu máu nói riêng. Đa dạng hóa bữa ăn là giải pháp bền vững và tối ưu nhất nhưng lại mất nhiều thời gian thực hiện nhất. Chính vì thế công tác giáo dục truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng.

Chương trình tăng cường sắt vào thực phẩm đã được triển khai rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. So với các chiến lược khác dùng để phòng chống thiếu máu. Tăng cường sắt được nhiều tác giả cho là một chiến lược rẻ tiền nhất và đảm bảo cho chiến lược dài hạn. Hiệu quả của tăng cường sắt vào thực phẩm cũng đã được chứng minh. Đó là biện pháp giúp phòng chống hiệu quả tình trạng thiếu máu ở cộng đồng. Trên thế giới, sắt được nghiên cứu bổ sung trên quy mô lớn vào các loại thức ăn như sữa, bột ngũ cốc, bánh mì, mì ăn liền, sữa bột đậu tương, bánh bích quy…

 Tại Việt Nam, với sự ra đời của dự án “chương trình bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm” do Viện dinh dưỡng là đầu mối triển khai với sự hỗ trợ của tổ chức GAIN (Global Alliance for Improved Nutrition: Liên Minh Toàn Cầu nhằm cải thiện dinh dưỡng). Sắt đã được tăng cường thành công vào các loại gia vị và thực phẩm như nước mắm, nước tương, hạt nêm. Thử nghiệm tăng cường sắt và một số vi chất khác vào gạo cũng đang được nghiên cứu. Đây là những loại gia vị, thực phẩm vô cùng thân thuộc với người dân Việt Nam. Phần lớn mỗi người chúng ta đều sử dụng chúng trong bữa ăn hàng ngày. Nên khi được tăng cường sắt sẽ giúp phòng chống có hiệu quả tình trạng thiếu máu ở cộng đồng.

Bổ sung viên sắt/acid folic là một trong những chiến lược chính hiện nay để phòng chống thiếu máu do thiếu sắt ở các nước đang phát triển. Bổ sung sắt/acid folic là một can thiệp không thể thiếu ở những nơi mà lượng sắt khẩu phần không đáp ứng nhu cầu sắt của các cá thể. Đây cũng là giải pháp thường được sử dụng để điều trị thiếu máu do thiếu sắt. Giải pháp này có khả năng cải thiện nhanh tình trạng sắt trên cộng đồng. Đặc biệt có giá trị trong những trường hợp tăng nhu cầu trong 1 giai đoạn ngắn và biết trước được. Như bổ sung trong giai đoạn có thai, trẻ em đang lớn, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ.

Liều lượng30 – 60mg sắt nguyên tố + 400µg acid folic
Tần suấtUống hằng ngày, mỗi ngày 1 viên
Thời gian và khoảng cách giữa các đợt bổ sungTừ khi phát hiện có thai. Bổ sung trong suốt thời gian có thai
Nhóm đối tượngTất cả phụ nữ có thai

30mg sắt nguyên tố tương đương 150mg sắt sulfat heptahydrat, 90mg sắt fumarat hoặc 250mg sắt gluconat.

Bạn có thể mua sản phẩm sắt hàm lượng cao, chỉ cần dùng 1 viên là có thể đáp ứng được như cầu TẠI ĐÂY.

Lưu ý:

Ở những vùng có tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai > 40%. Nên sử dụng viên sắt acid folic có hàm lượng 60mg sắt nguyên tố.

Nếu phụ nữ có thai được chẩn đoán xác định là thiếu máu tại cơ sở y tế. Cần được điều trị sắt (120mg nguyên tố) và acid folic (400µg hoặc 0,4mg) hằng ngày. Bổ sung cho đến khi nồng độ Hemoglobin trở về bình thường. Sau đó chuyển sang phác đồ dự phòng thiếu máu cho phụ nữ có thai. Để ngăn chặn sự tái phát của bệnh thiếu máu.

Ngoài việc bổ sung sắt và acid folic, các chế phẩm bổ sung khác có chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Để khắc phục tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng khác cho bà mẹ.

Liều lượng120mg sắt nguyên tố + 2800µg acid folic
Tần suấtUống hằng tuần, mỗi tuần 1 viên
Thời gian và khoảng cách giữa các đợt bổ sungTừ khi phát hiện có thai. Bổ sung trong suốt thời gian có thai
Nhóm đối tượngPhụ nữ có thai không bị thiếu máu hoặc những vùng có tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai < 20%

120mg sắt nguyên tố tương đương 600mg sắt sulfat heptahydrat, 360mg sắt fumarat hoặc 1000mg sắt gluconat.

Xét nghiệm hemoglobin để chẩn đoán xác định không bị thiếu máu trước khi sử dụng phác đồ uống bổ sung viên sắt hàng ngày.

Lưu ý: trong quá trình uống bổ sung viên sắt acid folic. Nếu phụ nữ có thai được chẩn đoán thiếu máu cần được điều trị thiếu máu theo phác đồ trên.

Bạn có thể mua sản phẩm sắt hàm lượng cao, chỉ cần dùng 1 viên là có thể đáp ứng được như cầu TẠI ĐÂY.

Bảng 4: Hướng dẫn bổ sung sắt dự phòng gián đoạn cho phụ nữ có kinh nguyệt

Liều lượng60mg sắt nguyên tố + 2800µg acid folic
Tần suấtBổ sung một lần trong 1 tuần
Thời gian và khoảng cách giữa các đợt bổ sungBổ sung trong 3 tháng, nghỉ 3 tháng. Sau đó lặp lại. Nếu có thể, bổ sung ngắt quãng trong năm học hoặc bổ sung thông qua hệ thống trường học.
Nhóm đối tượngNữ vị thành niên có kinh nguyệt và phụ nữ có kinh nguyệt.
Địa điểmỞ những vùng có tỉ lệ thiếu máu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không có thai ≥ 20%

60mg sắt nguyên tố tương đương 300mg sắt sulfat heptahydrat, 180mg sắt fumarat hoặc 500mg sắt gluconat.

Lưu ý:

Ở những khu vực có bệnh nhân sốt rét lưu hành. Bổ sung sắt và acid folic nên được thực hiện kết hợp với các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét.

Bạn có thể mua sản phẩm sắt hàm lượng cao, chỉ cần dùng 1 viên là có thể đáp ứng được như cầu TẠI ĐÂY.

Hướng dẫn sử dụng bột đa vi chất bổ sung vào thức ăn cho trẻ từ 6 – 23 tháng tuổi tại nhà.

Khuyến khích sử dụng bột bổ sung đa vi chất có chứa sắt, vitamin A và kẽm. Để cải thiện tình trạng vi chất và giảm thiếu máu cho trẻ 6 – 23 tháng tuổi .

Bảng 5: Hướng dẫn sử dụng bột đa vi chất bổ sung vào thức ăn của trẻ 6 – 23 tháng tuổi

Thành phần 1 góiSắt: 12,5mg sắt nguyên tố; Vitamin A: 300µg Retinol; Kẽm: 5mg kẽm nguyên tố (dưới dạng kẽm gluconate là tốt nhất)
Tần suất1 gói 1 ngày
Thời gian và khoảng cách giữa các đợt bổ sungSử dụng bột đa vi chất 6 tháng 1 đợt, mỗi đợt sử dụng tối thiểu 2 tháng
Nhóm đối tượngTrẻ 6 – 23 tháng. Sử dụng cùng thức ăn bổ sung
 Địa điểmTỷ lệ thiếu máu trẻ em dưới 2 tuổi hoặc dưới 5 tuổi ≥ 20%

12,5mg sắt nguyên tố tương đương 37,5mg sắt sulfat heptahydrat, 62,5mg sắt fumarat hoặc 150mg sắt gluconat.

Lưu ý: Ngoài bổ sung 3 vi chất trên. Có thể bổ sung thêm các vi chất cần thiết khác với liều theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị hiện nay.

Một số thuốc và biệt dược có chứa sắt như: ferimax, sắt sulfat, saferon, ferrovit, siderplex, Fe-Nana, tardyferon B9, Sano By…

Bạn có thể mua sản phẩm sắt hàm lượng cao, chỉ cần dùng 1 ống là có thể đáp ứng được như cầu TẠI ĐÂY.

Một số người có thể gặp tác dụng phụ khi uống viên sắt. Như lợm giọng, buồn nôn, cồn cào trong bụng, táo bón hoặc đi ngoài phân lỏng. Cách xử trí: lúc đầu uống cách nhật, sau uống hàng ngày. Nên ăn thêm rau, quả chín. Khi uống viên sắt, phân có thể màu đen, nhưng không đáng ngại, ngưng uống sẽ hết.

 Nhân viên y tế cần

Tư vấn cho đối tượng về cách sử dụng viên sắt, acid folic, các tác dụng phụ có thể có. Không bổ sung acid folic khi đối tượng đang uống Sulfadoxine pyrimethamine để điều trị sốt rét. Chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị nếu có các biểu hiện của thiếu máu nặng.

Ở những vùng có tỷ lệ nhiễm giun móc cao. Cần áp dụng tẩy giun định kỳ phối hợp với vệ sinh môi trường. Sử dụng nước sạch, thay đổi tập quán dùng phân tươi trong canh tác nông nghiệp. Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh ở mỗi gia đình. Việc tẩy giun cần áp dụng đúng phác đồ và đối tượng chỉ định.

Nguồn: sách “Dinh dưỡng lâm sàng” Trường Đại học Y dược Thái Bình.

Bác Sĩ Hướng

1 comment on “THIẾU MÁU DINH DƯỠNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *